Sau hơn 2 tháng kiểm tra cao trình gói thầu CT3-PW-2.5 (thuộc dự án xây dựng đường nối Cách Mạng Tháng Tám đến đường tỉnh 918, TP Cần Thơ), ngày 11/6, ông Bùi Thái Thượng, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ cho biết vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng.
Công trình đường nối Cách Mạng Tháng Tám đến đường tỉnh 918 (đoạn 600m đầu tuyến).
Hơn 2 tháng chưa đưa ra được kết luận
Theo ông Bùi Thái Thượng, Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ đã thuê Phân viện Khoa học Công nghệ GTVT phía Nam kiểm tra. Việc kiểm tra bao gồm kiểm tra cao trình hiện trạng và chiều dày lớp kết cấu công trình.
Đến nay, Phân viện Khoa học Công nghệ GTVT phía Nam chỉ mới tập hợp hồ sơ của gói thầu, chưa thực hiện việc đo kiểm tra cao trình.
“Hôm rồi họ làm việc với Ban Quản lý dự án, yêu cầu tập họp hồ sơ gửi cho họ. Họ lập đề cương, từ đề cương đó họ mới kiểm tra. Họ làm độc lập, không can thiệp vào công việc của họ được”, ông Thượng cho biết.
Phó Giám đốc phụ trách điều hành Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ khẳng định, để có kết quả kiểm tra cần thời gian dài. Tuy nhiên, thời gian dài bao nhiêu thì ông không rõ.
Công trình đường nối đường CMT8 đến đường tỉnh 918 (thuộc Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị - Dự án 3), có chiều dài tuyến hơn 5,3km, mặt cắt ngang 40m.
Công trình có 3 gói thầu, gồm gói thầu CT3-PW-2.5 (đoạn từ đường CMT8 đến nút giao Võ Văn Kiệt , giá trị hợp đồng hơn 157 tỷ đồng), gói thầu CT3-PW-2.6 (đoạn từ nút giao Võ Văn Kiệt đến cuối tuyến), gói thầu CT3-PW-1.7 (xây dựng cống ngăn triều trên đường nối CMT8 đến đường tỉnh 918).
Ngoài chức năng đường giao thông, tuyến đường này cũng có tác dụng như hệ thống đê bao bảo vệ vùng lõi của TP Cần Thơ (khu vực quận Ninh Kiều và Bình Thủy), chống ngập úng cho khu vực này trong tương lai.
Tuy nhiên, sau khi gói thầu CT3-PW-2.5 được thảm nhựa (lớp 1) khoảng 600m thì một số người dân nghi ngờ nhiều điểm trên công trình không đạt cao trình như thiết kế. Từ đó, họ nghi ngờ về hiệu quả chống ngập của công trình sau khi hoàn thành.
Hôm 9/4, ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ cho biết, sẽ thuê đơn vị độc lập kiểm tra lại sau khi có phản ánh của người dân về việc nghi ngờ cao trình của công trình
Như vậy, đến nay đã hơn 2 tháng trôi qua, Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ vẫn chưa đưa ra được kết quả khẳng định cao trình gói thầu gói thầu CT3-PW-2 được thi công đúng thiết kế hay không.
Không lý giải được 2 báo cáo khác xa nhau?
Trước đó, Ban quản lý dự án ODA Cần Thơ có báo cáo số 644/BC-BQL (ngày 29/4/2021) gửi UBND TP Cần Thơ. Nội dung báo cáo trên khẳng định “cao độ đạt yêu cầu theo bản vẽ thiết kế thi công được phê duyệt”.
BQL dự án ODA TP Cần Thơ kiểm tra lại cao trình của công trình.
Tuy nhiên, tại một báo cáo khác mang số 573/BC-BQL (ngày 16/4/2021) của Ban Quản lý dự án ODA Cần Thơ (được đóng dấu "Mật") thì thể hiện kết quả kiểm tra khác xa so với báo cáo số 644/BC-BQL.
Nội dung báo cáo số 573 cho thấy, thời điểm này Ban Quản lý dự án ODA Cần Thơ đã thuê đơn vị tư vấn độc lập để kiểm tra cao độ mốc GPS-08 (mốc do đơn vị tư vấn thiết kế bàn giao khi khởi công công trình). Kết quả kiểm tra cho thấy, mốc cao độ GPS-08 thấp hơn thiết kế 53,7cm.
Theo hồ sơ thiết kế thi công được phê duyệt, lưới khống chế cao độ hạng IV là mốc GPS-08. Như vậy, nếu mốc cao độ GPS-08 thấp hơn thiết kế 53,7cm thì cao độ mặt đường thuộc gói thầu CT3-PW-2.5 sẽ thấp hơn cao độ theo hồ sơ thiết kế là 53,7cm.
Khi được hỏi vì sao báo cáo này lại đóng dấu mật, hôm 23/4, ông Đoàn Thanh Tâm nói: "khi nào đi làm nhà nước đi rồi biết".
Sau đó, ngày 4/5, ông Bùi Thái Thượng đính chính lại với báo chi về phát ngôn của ông Đoàn Thanh Tâm. Theo ông Thượng, báo cáo số 573 không phải là tài liệu mật. Việc lãnh đạo ODA trước đây đóng dấu mật chỉ mang tính chất nội bộ cơ quan.
“Chữ mật ở đây là mật của nội bộ cơ quan chứ đây không phải là bí mật Nhà nước. Mật là do Ban tự đề ra phục vụ cho công tác nội bộ của Ban, theo quy chế nội bộ cơ quan”, ông Thượng thông tin và cho biết sẽ chấn chỉnh phát ngôn của ông Đoàn Thanh Tâm.
Cũng theo ông Thượng, báo cáo số 573 được Giám đốc trước đây là ông Lê Văn Sơn (hiện là Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Cần Thơ) ký nên ông không nắm được nội dung.
Trước sự khác nhau bất thường giữa 2 báo cáo, phóng viên VTC News nhiều lần liên hệ lãnh đạo TP Cần Thơ.
Đến ngày 4/5, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết đã nhận được cả 2 báo cáo của Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ nhưng ông Hồng không giải thích được vì sao 2 báo cáo khác xa nhau.
“Vấn đề này thuộc kỹ thuật chứ nhìn mắt thường không biết được. Nếu có sai mình sửa, có thiếu mình thêm. Quan điểm của lãnh đạo là vậy”, ông Hồng nói và đề nghị phóng viên làm việc với Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ.
Đến nay, lãnh đạo TP Cần Thơ cũng không đưa ra thêm bình luận về sự khác nhau của nội dung 2 báo cáo trên.
Chậm tiến độ, đội vốn nghìn tỷ
Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị được Thủ tướng phê duyệt năm 2016.
Tổng mức đầu tư của dự án theo phê duyệt là hơn 7.843 tỷ đồng (hơn 340 triệu USD). Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới 250 triệu USD, vốn không hoàn lại từ Tổ chức Hợp tác Kinh tế Thụy Sĩ 10 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng hơn 84 triệu USD (tương đương 1.917 tỷ đồng).
Dự án có ý nghĩa quan trọng đối với TP Cần Thơ bởi sẽ góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ vùng lõi trung tâm của thành phố trước rủi ro do ngập lụt; tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố và các khu vực đô thị mới phát triển.
Đây được kỳ vọng sẽ phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong việc quản lý rủi ro thiên tai.
Thời gian thực hiện dự án được phê duyệt là đến tháng 6/2022. Tuy nhiên, theo báo cáo vào tháng 3/2021 của Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, thời gian thì còn rất ít nhưng khối lượng công việc chưa thực hiện lại rất nhiều. Điều này có thể dẫn đến việc không hoàn thành các hạng mục công trình của dự án.
Trước tình thế này, UBND TP Cần Thơ sẽ báo cáo Thủ tướng và xin gia hạn thời gian thực hiện đến tháng 6/2024.
Bên cạnh việc cắt giảm nhiều hàng mục công trình, số vốn thực hiện dự án vẫn đội lên hơn nghìn tỷ đồng.