Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu quan trọng kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài chung sức đồng lòng với Chính phủ góp sức, góp tiền cho Quỹ vaccine để có vaccine sớm nhất tiêm cho nhân dân.
Theo các tính toán, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có khoảng 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng hơn 25 nghìn tỷ đồng.
Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19, với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vaccine phòng COVID-19.
Hôm nay, Quỹ vaccine phòng COVID-19 chính thức được ra mắt.
Tại sự kiện ra mắt quỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ kêu gọi và gửi lời cảm ơn tới đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp, doanh nhân, mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, những người bạn, các đối tác quốc tế của Việt Nam tự nguyện tham gia đóng góp, tài trợ, hỗ trợ cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 bằng kinh phí, vật chất, công sức, trí tuệ, tình cảm, theo mọi hình thức, ở mọi nơi, mọi lúc.
Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là mọi khoản kinh phí đóng góp dù nhiều hay ít, mọi lời góp ý, mọi sự ủng hộ cho công cuộc phòng chống COVID-19 nói chung và cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 nói riêng đều được nâng niu, trân trọng.
Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân liên quan cần hành động khẩn trương nhất với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tạo điều kiện cho người dân, các nhà hảo tâm để đóng góp cho Quỹ bằng mọi hình thức thuận tiện nhất; Quản lý công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả nhất để tiêm vaccine cho người dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, với hình thức ủng hộ qua tin nhắn, bất kỳ người dân nào cũng có thể ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 với đơn vị nhỏ nhất là 1.000 đồng.
Bộ Tài chính cũng vừa ban hành Thông tư số 41/2021/TT-BTC hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và chế độ kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ Vaccine phòng COVID-19.
Thông tư quy định chi tiết các nội dung liên quan đế chế độ kế toán, quyết toán, báo cáo và công khai tài chính quỹ. Theo đó, Quỹ có trách nhiệm công khai báo cáo tài chính quỹ hàng tháng, 6 tháng, năm và báo cáo quyết toán Quỹ theo các mẫu biểu tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.
Nội dung công khai bao gồm: Số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại.
Thời điểm công khai báo cáo tháng, 6 tháng chậm nhất sau ngày 10 kể từ ngày kết thúc tháng, 6 tháng; công khai báo cáo năm chậm nhất ngày 31 của tháng 1 năm sau và báo cáo quyết toán chậm nhất 30 ngày sau khi báo cáo được Bộ Tài chính phê duyệt.
Việc công khai của Quỹ được thực hiện qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và một hoặc một số hình thức: công bố tại các cuộc họp, niêm yết tại trụ sở của Quỹ, phát hành ấn phẩm, thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ Tài chính cho biết, đến 16h ngày 3/6, Quỹ vaccine phòng COVID-19 tiếp nhận gần 104 tỷ đồng được ủng hộ, đóng góp từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Cụ thể, quỹ đã tiếp nhận 103.908.667.082 đồng, 3329 USD và 1979 EUR.
Bên cạnh khoản tiền chuyển trực tiếp vào tài khoản của Quỹ vaccine, nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đóng góp số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã ủng hộ hơn 2.300 tỷ đồng, số này sẽ được bàn giao vào ngày 5/6.
Bộ Y tế cũng đã tiếp nhận hàng trăm tỷ đồng từ các doanh nghiệp ủng hộ vào Quỹ mua vaccine.