Thông tin từ Bộ Giao thông và Vận tải, từ 7h ngày 30/6, dự án PPP thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được đưa vào khai thác 19 km cuối tuyến (đoạn từ nút giao Quốc lộ 46B đến nút giao Quốc lộ 8A).
Việc hoàn thành 19 km cuối cùng không chỉ giúp toàn tuyến cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt được khai thác đồng bộ trên tổng chiều dài 49 km, rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội về Nghệ An chỉ còn khoảng 3,5 tiếng thay vì hơn 5 tiếng như trước.
Đây còn là mảnh ghép cuối cùng, đánh dấu sự về đích của toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với tổng chiều dài 652,86 km.
Một đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. (Ảnh: Sỹ Hoà)
Được biết, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài khoảng 49 km đi qua địa bàn hai tỉnh: Nghệ An (44 km), Hà Tĩnh (5 km), là một trong 3 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được đầu tư theo phương thức PPP.
Tổng vốn đầu tư dự án là 11.157 tỷ đồng, do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ban Quản lý dự án 6 là cơ quan quản lý dự án.
Nhà đầu tư là liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng VINA 2.
Tuy không phải là dự án có chiều dài lớn nhất nhưng Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt lại là dự án có địa hình thi công hiểm trở, địa chất phức tạp phải sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật cao, gồm: cầu cạn, cầu vượt sông lớn và hầm xuyên núi…
Trong đó, hầm Thần Vũ có chiều dài khoảng 1.100 m, là công trình hầm xuyên núi dài thứ hai trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (sau hầm Núi Vung trên tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo).
Đây cũng là công trình hầm được triển khai ở công địa vô cùng đặc biệt. Công tác đào hầm được thực hiện ở lưng chừng núi thay vì ở chân núi như hầu hết các công trình hầm khác trên tuyến.