NSND Lê Khanh có hai mối tình: Sân khấu và bạn Đời. Nếu sân khấu là sự sống, là “tình yêu” khiến bà “Điên quá không tỉnh”, có lúc cảm thấy cô đơn thì cuộc hôn nhân với Đạo Diễn Phạm Việt Thanh là mối tình viên mãn, tròn đầy. Với nghệ thuật, Lê Khanh là người phụ nữ đa đoan thì trong hôn nhân bà là người hạnh phúc.
Tháng 10 mùa thu, thổn thức trong tim mỗi người ký ức, nỗi nhớ Hà Nội. Thoáng nghe câu hát: “Thế là, chị ơi, rụng bông hoa gạo. Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh", lại quên sao được hình ảnh thiếu nữ “Người Hà Nội” với chiếc áo dài trắng cổ xưa, nhẹ nhàng bước giữa khu vườn một ngày trở gió.
"Nghệ thuật đâu có ép duyên được”
Gặp NSND Lê Khanh tại Nhà hát tuổi trẻ, vẫn là một Lê Khanh nhẹ nhàng, đài các, có chăng trên gương mặt đã nhiều hơn nét u hoài “bốn mùa trăn trở”. Và mái tóc dài truyền thống một thuở không còn nữa mà thay thế bởi tóc ngắn uốn xoăn quý phái mà “hợp mốt”.
Nhiều người hỏi Lê Khanh tại sao cắt bỏ mái tóc dài của mình, thông thường là khi người ta muốn đánh dấu sự kiện gì đặc biệt hay có chuyện nào đó buồn lắm. Với Lê Khanh, cái sự cắt tóc khiến bao người phải “tiếc ngẩn ngơ” về một hình ảnh Lê Khanh tóc dài buông xõa thướt tha ngày nào, lại liên quan ít nhiều đến sân khấu.
Chị cho biết: “Sau khi vở kịch “Con vịt trời trúng độc” được công diễn rất thành công tại Tokyo, Hà Nội, Hải Phòng và Liên Hoan Sân Khấu Quốc Tế Sibiu, tôi tự thưởng cho mình một điều gì đó đặc biệt vừa có tính khám phá, vừa có tính thay đổi táo bạo, đem đến sự mới mẻ, thú vị. Đây là lần thứ ba tôi 'xuống tóc' trong cảm xúc như vậy. Lần đầu là khi tôi mang bầu con gái đầu lòng có tên thân mật là Hến".
NSND Lê Khanh vẫn thế, tình yêu với sân khấu kịch đã ăn sâu vào máu, hơi thở và cả nhịp sống, đời thường của chị. Sự nghiệp của nữ nghệ sỹ gắn liền với hàng trăm vai diễn, vở kịch cùng nhiều phim truyền hình nhưng với Lê Khanh, sân khấu mới là 'mối tình' đầy duyên nợ, muôn thuở đậm sâu:
“Tôi yêu sân khấu bền và lâu. Ngủ vẫn yêu! Gian truân vẫn yêu bởi chỉ có ở sân khấu mới có sự tương tác trực tiếp, chân thật nhất giữa những nghệ sỹ và khán giả. Khi tôi thoại một đoạn hay, tôi biết khán giả đang nín thở, thổn thức như thế nào và vỡ òa cảm xúc sảng khoái ra sao. Không có đêm nào, tác phẩm lại giống với đêm nào cả”.
Dẫu vậy, trên con đường đầy lửa đam mê, nhiệt huyết và sáng tạo ấy, “nữ hoàng sân khấu” vẫn không khỏi có lúc cảm thấy xót xa trước một hiện thực: không ít khán giả trẻ kể cả công chúng ở nhiều lứa tuổi khác nhau quay lưng lại với sân khấu kịch. Nhu cầu giải trí từ điện ảnh, phim truyền hình đến sân khấu hài đang trở thành món ăn tinh thần được khán giả tìm đến nhiều hơn là những tác phẩm kịch mang tính chính luận, nghệ thuật, giáo dục cao.
Lê Khanh trải lòng: “Vì sân khấu không hấp dẫn về cả nghe và nhìn. Lại luôn có ý giáo dục, dạy dỗ nên khán giả ngại rời khỏi màn hình TV hoặc laptop, điện thoại. Nơi có đầy ắp thông tin giải trí và kết nối. Nghệ thuật giải trí không xấu nếu có giá trị về tài năng, nghệ thuật và tính thẩm mỹ. Đó là nhu cầu cần thiết để cân bằng tinh thần trước sức ép và guồng quay của cuộc sống. Giống như tình yêu ấy, nghệ thuật đâu có ép duyên được".
“Điên quá, mãi không tỉnh”
Bởi tình yêu nghề đến mức cực đoan là thế nên chị cho rằng mình là người giàu có nhất, không phải vì tiền mà là tình yêu và sự tôn trọng của khán giả. Nhưng cũng có lúc NSND Lê Khanh thừa nhận mình cô đơn trong chính tình yêu ấy.
Chị ví nỗi cô đơn của mình như Đan Thiềm – cung nữ bị ruồng bỏ trong vở kịch Vũ Như Tô của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đó là một phụ nữ con nhà trí thức, có tâm hồn cùng tấm lòng biệt nhỡn liên tài, Đan Thiềm cảm được bi kịch của kiến trúc sư Vũ Như Tô, khích lệ ông không bỏ phí tài năng.
“Ông là người có tài. Hãy đem tài ấy cống hiến cho non sông, không nên để mục nát với cây cỏ. Hãy xây những toà đài cao cả. Đời người sẽ chết đi nhưng sự nghiệp sẽ còn lại muôn đời. Non sông nghìn thu được hãnh diện. Không phải hổ thẹn với nước ngoài thế là đủ. Rồi hậu thế sẽ xét công và nhớ ơn ông mãi mãi. Ông hãy nghe tôi. Hãy biến đất Thăng Long này thành nơi kinh kỳ lộng lẫy nhất trần gian.” Lê Khanh kể.
Đến thời điểm hiện nay Lê Khanh vẫn được ví như ngôi sao sáng trên bầu trời nghệ thuật. Đắm đuối với sân khấu nhưng thẳm sâu trong trái tim người nghệ sỹ đa mang ấy là một "kẻ điên" trong nghệ thuật.
Chị thừa nhận: “Về tất cả điều ấy, nên tôi vẫn sáng tạo miệt mài, vẫn đi học để đi dạy, để hiểu, để biết và để lại ước mơ về một tương lai sáng lạn cho nghệ thuật. 'Điên' quá, mãi không tỉnh".
Vì thế, sau những ngày tháng “học nghề” tại Nhật Bản, khát vọng của nghệ sĩ này là có thể thay đổi để sân khấu hấp dẫn hơn.
“Đầu tiên là đầu tư giáo trình của các nước có nền sân khấu tiên tiến để đào tạo nên những lớp nghệ sĩ đa tài đa năng hơn có thể hát, múa, diễn cùng lúc một cách điêu luyện. Sau đó là môi trường làm nghệ thuật có kỷ luật và trách nhiệm luôn có ý thức đi xem nhau để học nhau và rút kinh nghiệm những cơ hội được xem tác phẩm sân khấu quốc tế là vô cùng quý giá.
Để biết mình đang hoà nhập với dòng chảy chung hay đang “tự kỷ” và lạc lõng, cũ kỹ. Rồi đến chế độ, chính sách lương bổng cho nghệ sĩ, đầu tư sản xuất tác phẩm, trang thiết bị và công nghệ. Vấn đề quan trọng sau cùng là quyền được tự do sáng tác”, NSND Lê Khanh bộc bạch.
Hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất
Người làm nghệ thuật không tránh khỏi cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng, những lúc gặp sóng gió, nhưng với Lê Khanh lại khác. Cuộc hôn nhân giữa chị và đạo diễn Phạm Việt Thanh đến giờ đã hơn 20 năm vẫn viên mãn, tròn đầy.
Hình ảnh hai vợ chồng nghệ sỹ luôn tay trong tay đi khắp Hà Nội giản dị và hạnh phúc khiến ai cũng phải ngưỡng mộ, ước ao. Hỏi bà điều gì giữ lửa hạnh phúc gia đình cô luôn cháy và lâu đến như vậy. Lê Khanh cười nói: “Chỉ có tình yêu và lòng tin”.
Chỉ thế thôi nhưng nó là quá đủ để nuôi dưỡng và giữ gìn hạnh phúc, chỉ thế thôi nhưng nó là hành trình khiến ai trong chúng ta cũng phải cố gắng mà vun đắp, dựng xây. Lê Khanh luôn nói rằng mình may mắn, có được người chồng – đạo diễn Phạm Việt Thanh chia sẻ và hỗ trợ.
Cả hai đến với nhau khi cùng làm chung nhiều bộ phim như Săn bắt cướp, Dòng sông hoa trắng... Để đến hôm nay, nghệ thuật và bạn đời đã viết nên chuyện tình đẹp nhất của người con gái Hà Nội, đó là hai mảnh ghép không thể tách rời: “Trong cuộc sống cần phải có nghệ thuật để nuôi dưỡng tình yêu. Trong nghệ thuật lại cần tình yêu để nuôi cuộc sống”, Lê Khanh nói.
Hơn 20 năm nên nghĩa chồng vợ, tài sản là hai đứa con đã 18, đôi mươinhưng vợ chồng nghệ sỹ vẫn dành cho nhau những sự quan tâm bình dị mỗi ngày. “Không cứ phải ngày lễ đâu, đó là khẩu hiệu. Cái quý là bố của các con tôi, ngoài hoa ra còn luôn bất ngờ hoặc sẵn sàng tặng vợ cả một trời sương sớm mùa thu hay rong ruổi phố quán ven hồ”, Lê Khanh vui vẻ chia sẻ.
Gia đình riêng hạnh phúc, biết cách tận hưởng từng giây phút của cuộc sống. Nghệ sĩ chia sẻ trong bất cứ hoàn cảnh, chìa khóa của cô là sự lạc quan và hạnh phúc với cô là bình yên: "Phải thi vị hóa cuộc sống thì ta mới đủ sức vượt qua những nhọc nhằn, chông gai, trắc trở ở đời".