Sáng 1/8, tại hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”, các đại biểu đưa ra những ý kiến góp ý trực tiếp vào các chính sách nhằm hoàn thiện cơ bản dự thảo Luật.
Theo TS Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách.
“Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, thành lập thành phố thuộc thành phố, thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh (bên cạnh các đô thị trung tâm) và là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ”, TS Chu Mạnh Hùng nói.
TS Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội tham luận tại hội thảo.
TS Chu Mạnh Hùng lý giải, thành phố thuộc thành phố sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội. Bởi lẽ đó, tính vượt trội, đặc thù cho Hà Nội trong đó có các đô thị vệ tinh, nhất là thành phố thuộc Thủ đô cần phải được tính đến trong quy hoạch, quản lý và phát triển.
Ngoài ra, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD (Transit Oriented Development) dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cũng là điểm đột phá. Song, cũng cần phải có sự phân biệt về khoảng cách với đô thị trung tâm Hà Nội và các đô thị khác. Xử lý tốt mối quan hệ “trục dọc, trục ngang” để các thành phố thuộc TP Hà Nội không rơi vào tình trạng đô thị vệ tinh là sự mở rộng của đô thị trung tâm như trường hợp của thành phố Thủ Đức (TP.HCM).
Liên quan các vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô, PGS.TS. Hoàng Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô còn thiếu những điều khoản có tính pháp lý để phát triển Thủ đô và tính đặc thù của đô thị lớn. ông Tùng cho rằng chưa rõ sự khác biệt của Luật Thủ đô đối với các luật hiện hành.
Đại diện Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng nhấn mạnh về vấn đề phát triển nhà ở. Luật phải thể hiện được chiến lược nhà ở đặc thù của Thủ đô với quy mô 8,5 triệu dân, để người dân cải thiện, nâng cấp nhà ở. Từ người nghèo, người không có thu nhập đến người thuộc tầng lớp trung lưu.
Theo ông Tùng, phải có cơ chế rà soát tất cả dự án đang dang dở để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và cơ chế cho các dự án nhà ở mới nhằm thực hiện theo đúng tiến độ đã cam kết.
Mô hình nhà ở cần đa dạng để thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư. Đồng thời, có chính sách đặc thù cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, ông Tùng cho rằng cần phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ hạ tầng, không chỉ khu nhà ở xã hội tập trung cho người lao động trong các khu công nghiệp mà còn có khu nhà ở xã hội tập trung cho trí thức trẻ....
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo.
Ghi nhận những ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, các ý kiến tham luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được thành phố Hà Nội, Ban Soạn thảo, các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học, kịp thời hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Thủ đô mà còn là trách nhiệm của cả nước. Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ.
Từ nay đến khi Quốc hội thông qua dự thảo Luật, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong chỉ đạo Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội tiếp tục tổ chức các hội thảo lĩnh hội các ý kiến góp ý trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, về 3 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đang được triển khai cùng lúc là lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).