Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Y tế nỗ lực tháo gỡ khó khăn liên quan mua sắm, đấu thầu thuốc

(VTC News) -

Hiện 61% cơ sơ sở y tế trên toàn báo cáo đã cung ứng đủ thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh, còn gần 39% đơn vị có tình trạng thiếu cục bộ.

Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải là câu chuyện mới nhưng đã trở nên nghiêm trọng và phổ biến hơn sau đại dịch COVID-19. Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới, trong đó điểm nghẽn chung do nguồn cung ứng và đấu thầu mua sắm thuốc.

Tại Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu thuốc được tổ chức ở cả 3 cấp: ở cấp trung ương, đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng 16,5-18% số lượng thuốc toàn quốc, cấp địa phương và các cơ sở y tế. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau dịch Covid-19.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế, các bộ ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Bộ Y tế nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Về cơ chế chính sách, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ Y tế đã trình Quốc hội ban hành các luật liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Khám, chữa bệnh và các Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng; các văn bản của Bộ Y tế, Tài Chính, Kế hoạch đầu tư để tạo hành lang pháp lý. 

Đặc biệt các Nghị quyết 80, Nghị quyết 99 của Quốc hội, Nghị quyết 30, nghị định 07, Nghị định 75 của Chính phủ, các thông tư của bộ ngành, đặc biệt Thông tư 14 của Bộ Y tế đã tháo gỡ rất nhiều cho các cơ sở. 

Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu năm 2023 hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về đảm bảo nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. 

Để đảm bảo nguồn cung thuốc, thiết bị y tế trên thị trường, Bộ Y tế tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay là trên 22.000 thuốc, trên 100.000 chủng loại trang thiết bị y tế còn hiệu lực. 

Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc hiếm; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị y tế trực thuộc Bộ.

Bên cạnh đó, Bộ cũng cần đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đấu thầu tập trung quốc gia; tăng cường công bố thông tin phục vụ đấu thầu; rà soát các vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để giải quyết theo thẩm quyền.

Bộ Y tế thông tin, đến nay, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, mặc dù vẫn xuất hiện tình hình thiếu cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương. 

Hầu như các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương đã có sự chủ động, linh hoạt, gỡ bỏ được sự e ngại để vẫn duy trì, tổ chức đấu thầu bài bản, đúng quy định và kiên trì trong các khâu về thủ tục... nhằm đảm bảo thuốc, trang thiết bị, vật tư, phục vụ công tác khám, điều trị cho bệnh nhân tốt nhất.

Theo báo cáo của 1.076 sơ sở y tế trên toàn quốc trong tháng 10, hơn 67% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng đủ cho hoạt động khám, chữa bệnh; gần 39% đơn vị có tình trạng thiếu cục bộ. 

Có những đơn vị trước đây rất khó khăn nhưng nay đã thực hiện đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám chữa bệnh. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện được 35 gói thầu mua vật tư, hóa chất, máy móc. 

Với việc các bệnh hiếm gặp, Bộ đã trình cơ chế để tháo gỡ trong vấn đề đảm bảo nguồn cung cho các vấn đề thuốc hiếm, đặc biệt, liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính ngân sách để đảm bảo thực hiện cho thuốc hiếm.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, Bộ đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi triển khai công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; đồng thời giúp cán bộ y tế yên tâm triển khai thực hiện. 

Cụ thể, sửa đổi Luật Dược 2016, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội XV; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 54/2017/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP; ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành theo thẩm quyền như Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 15/2020/TT-BYT về danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư hướng dẫn mua sắm tập trung, đàm phán giá thiết bị y tế. 

Bộ cũng sẽ ban hành danh mục thiết bị y tế mua sắm tập trung, danh mục thiết bị y tế đàm phán giá theo Luật Đấu thầu. Dự kiến, thông tư này sẽ được ban hành cuối năm để bảo đảm đồng bộ với Luật Đấu thầu năm 2023. 

Minh Khôi

Tin mới