Trao đổi bên hành lang Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, trong báo cáo do Thủ tướng Phạm Minh Chính đọc trước Quốc hội đã nêu một vấn đề còn tồn tại và sự thiếu sót sau chiến thắng đại dịch COVID-19 vừa qua là “để thiếu thuốc và vật tư y tế cho nhân dân”.
Tình trạng này cho đến nay vẫn tiếp diễn, đơn cử như ngày 24/10 Cần Thơ thiếu túi đựng máu nên không thu gom được máu.
"Liên quan đến máu, vấn đề đáng quan tâm là không có người hiến, nhưng hiện nay, người hiến luôn sẵn sàng thì lại không có túi đựng máu. Đây là câu chuyện đã kéo dài mà vẫn chưa được giải quyết", ông nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội).
Vị đại biểu cũng phân tích, từ thiếu túi máu là nhỏ nhất, ta mở rộng ra nhiều cái thiếu nữa là thiếu thuốc, thiết vật tư y tế, vaccine phòng bệnh... Tình trạng này đang xảy ra ở các cấp, từ bệnh viện trung ương đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện.
Chính các đồng nghiệp, cử tri, Nhân dân và người nhà, người quen của mỗi chúng ta đều đang gặp tình trạng trên. Do vậy ông mong muốn cần làm rõ, xem sự thật đến đâu và tìm ra nguyên nhân vì sao và thiếu đến đâu?
Đại biểu Trí nhấn mạnh, tuyệt đối không để cho Nhân dân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế khi đi khám, chữa bệnh. Ông cũng đã đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội phải thực hiện một cuộc giám sát trong toàn ngành y tế, giám sát đến nơi đến chốn để trả lời được câu hỏi: Tại sao các văn bản pháp quy từ luật đến nghị định, thông tư đã được ban hành mà tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn diễn ra; khó khăn, ách tắc vẫn còn đó?
Theo ông, các luật, nghị định, nghị quyết, thông tư đã ra đời mà vẫn để thiếu thuốc thì trách nhiệm thuộc về ngành Y tế. Bao gồm lãnh đạo Bộ Y tế đến các Cục, Vụ và tiếp theo là giám đốc các sở y tế, giám đốc các bệnh viện.
Ông thẳng thắn chỉ ra một trong những nguyên nhân thiếu là các văn bản pháp quy hiện nay vẫn thiếu tính thực tiễn nên vẫn khó cho việc triển khai đầu thầu, mua sắm. Nếu triển khai mua thì thường trúng cả gói thầu chất lượng thấp, có thể do hướng đến vấn đề giá cả nhiều hơn. Do khó làm nên nhiều lãnh đạo, giám đốc Sở ngại, sợ trách nhiệm, sợ làm lại gặp khó vấn đề này, vấn đề kia.
"Để cho Nhân dân bị thiếu thuốc là có tội. Khi mọi nút thắt đã được tháo gỡ, ở những nơi khác đã làm được, đã có thuốc, có vật tư y tế, mà ở đơn vị này không làm được thì phải xem xét biện pháp về tổ chức, thay thế lãnh đạo", ông Trí cho hay.
Theo báo cáo của Bộ Y tế hồi tháng 7/2023, để đảm bảo nguồn cung về trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07 trong đó có một số giải pháp để đảm bảo nguồn cung liên quan đến hoạt động nhập khẩu trang thiết bị y tế.
Đến nay, cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu trang thiết bị y tế liên quan đến thủ tục nhập khẩu. Về giấy phép nhập khẩu, Bộ Y tế đã gia hạn hiệu lực cho trên 12.500 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đến hết ngày 31/12/2024. Về cấp số lưu hành các trang thiết bị y tế, đến nay, trang thiết bị y tế loại A có 27.847 hồ sơ, trang thiết bị y tế loại B có 14.508 hồ sơ, trang thiết bị y tế loại C, D có 1.673 hồ sơ.
Bộ Y tế khẳng định, chỉ thiếu thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm do khó khăn về nguồn cung ứng, không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng (như các thuốc chống độc, giải độc tố , huyết thanh kháng nọc rắn).
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xung đột tại châu Âu, nên dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với một số thuốc như Albumin, Globulin (các thuốc này hầu như nước nào cũng thiếu).