Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Chính trị yêu cầu có chính sách tiền lương phù hợp đặc thù từng ngành

(VTC News) -

Bộ Chính trị yêu cầu có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chính sách tiền lương phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực sự nghiệp công lập.

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai vừa ký ban hành Kết luận số 62 về việc thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ Chính trị đánh giá, thời gian qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 19 đạt được một số kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an sinh, thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội.

Các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp, tổ chức lại, tinh giản đầu mối và biên chế, tăng tính tự chủ, công khai, minh bạch; phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo...

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. (Ảnh: quochoi.vn).

Song, theo Bộ Chính trị, còn một số hạn chế, yếu kém trong thực hiện như một số nơi sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn máy móc, cào bằng, chưa gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Hiệu quả hoạt động của nhiều đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, chính sách xã hội hoá chưa thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được quan tâm đúng mức, một số cá nhân, đơn vị còn vi phạm pháp luật.

Chỉ ra nguyên nhân, Bộ Chính trị cho rằng nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa sâu sắc, chưa quyết liệt. Công tác tham mưu, hướng dẫn công tác tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra chưa thường xuyên; một số nơi còn thụ động, tư tưởng bao cấp, ỷ lại Nhà nước còn phổ biến.

Để tiếp tục thực hiện nghiêm quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19, Bộ Chính trị yêu cầu thời gian tới kịp thời phát hiện, nhân rộng mô hình sự nghiệp công điển hình, cách làm năng động, sáng tạo, hiệu quả; khen thưởng, biểu dương tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; kiểm điểm tổ chức, cá nhân không hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chủ trương, chính sách.

Theo Bộ Chính trị, cần quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết 19 gắn với các chủ trương của Đảng có liên quan. Nhất là về tổ chức bộ máy, tiêu chí và điều kiện sắp xếp, nhân lực và cơ cấu đội ngũ, chế độ, chính sách, chú trọng chính sách thu hút nhân tài, người có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chính sách tiền lương phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực sự nghiệp.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng, góp phần bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. 

Cụ thể, Bộ Chính trị cho rằng cần tiếp tục tăng ngân sách Nhà nước và đổi mới việc phân bổ ngân sách theo hướng tập trung cho dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý Nhà nước và các địa bàn khó khăn.

Cùng đó, đẩy mạnh cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Để xây dựng kế hoạch, lộ trình đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập từ nay đến năm 2030, Bộ Chính trị yêu cầu các đơn vị sau sắp xếp phải có tổ chức bộ máy phù hợp, cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức gắn với vị trí việc làm; phương thức quản lý theo hướng tiên tiến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ.

Theo Bộ Chính trị, cần sớm tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ; chính sách thí điểm xã hội hóa các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông; thi tuyển và thuê giám đốc điều hành đơn vị sự nghiệp công lập.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hoá, nhất là chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí, tín dụng, thu hút đầu tư đối với dịch vụ sự nghiệp công; các chính sách xã hội hóa phải sát với thực tiễn, khả thi, bình đẳng để phát triển nhanh các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Anh Văn

Tin mới