Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí mật thủ phủ tập kết hàng lậu Lũng Vài

Đã một lần đi buôn hàng Quảng Châu thì chắc ai cũng biết hay ít ra cũng nghe tới cái tên Lũng Vài, nơi được xem là tổng kho hàng lậu ở bên kia biên giới.

Đã một lần đi buôn hàng Quảng Châu thì chắc ai cũng biết hay ít ra cũng nghe tới cái tên Lũng Vài, nơi được xem là tổng kho hàng lậu ở bên kia biên giới.


Đường đến thánh địa Lũng Vài



Đã một lần đi buôn hàng Quảng Châu thì chắc ai cũng biết hay ít ra cũng nghe tới cái tên Lũng Vài, nơi được xem là tổng kho hàng lậu ở bên kia biên giới. Nơi được các đầu nậu như H. chọn là điểm ém hàng, tập kết hàng trước khi tuồn về Việt Nam qua các cung đường biên.

Vì thế, lần này ngược lên Lạng Sơn để dò hỏi thông tin về chuyến hàng, mặt khác chúng tôi tranh thủ “lấn biên” để đột nhập vào tổng kho này. Quả thật, khi nhìn thấy Lũng Vài, tôi phải lóa mắt bởi quá nhiều hàng hóa đang được tập kết ở đây.



Lên đến thị trấn Đồng Đăng, gặp một người đàn ông là chân tay của H., gã này cho biết, mấy hôm giáp Tết, cơ quan chức năng làm căng nên hàng hóa về chậm hơn mọi khi.

Vừa giải thích, tay này vừa chắc nịch khẳng định, độ vài ngày nữa hàng sẽ về đến Hà Nội mà không thiếu một mẩu. Lấy cớ muốn sang Lũng Vài để mục sở thị tổng kho (nơi mà gã nói hàng chúng tôi đang được tập kết ở đó), chúng tôi nhờ gã chỉ đường.



Các cửa hàng đồ Trung Quốc tại Lũng Vài 
Theo lời chỉ dẫn của gã, chúng  tôi lần theo đường mòn 386, thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ để lên đường biên giới. Quãng đường chỉ dài khoảng 500m nhưng chúng tôi gặp tới 3 phụ nữ ngồi thu lệ phí đường đồi. Hòa rút túi “nộp” mỗi “ba-ri-e” này 4 nghìn đồng cho cả 2 người.



Khi đến cách cột mốc biên giới 1103 khoảng 20m là chiếc cổng sắt rộng khoảng 1,2m, lúp xúp dưới tán 1 bụi tre, ngồi sau đó là 2 người Trung Quốc mặc đồng phục, tay thoăn thoắt thu tiền, đưa vé. Hòa cho biết đó là lực lượng dân phòng của bạn(?).

 Mỗi người qua cổng phải nộp 2 Nhân dân tệ Trung Quốc (khoảng 6 nghìn đồng Việt Nam) và được phát 1 vé ra vào, khi về phải nộp lại và được mang theo 1 vác hàng lớn nhỏ tùy ý.



“Đến Lũng Vài dễ như đi chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, thậm chí đi ở phố cổ còn dính tắc đường, còn đường sang Lũng Vài chả tắc bao giờ”, một dân buôn lâu năm ở đây nói với chúng tôi.

Ở Lũng Vài, đập vào mắt chúng tôi ngay sau đó là những con đường bê tông dài hun hút, 2 bên là những ngôi nhà 2 tầng, diện tích khoảng 20m2/tầng, ước tính có tới gần 1 nghìn cửa hàng như vậy. Tất cả được thiết kế theo 1 kiểu kiến trúc, bên ngoài treo biển hiệu kinh doanh nửa tiếng Hoa, nửa tiếng Việt.

Hàng chất đống bên lề đường đang chờ vận chuyển. Trong chợ còn có khu trung tâm thương mại rộng lớn, cao 3-4 tầng.



Toàn bộ khu chợ Lũng Vài rộng khoảng 10ha với các con đường bê tông rộng 4 làn, các con đường nhánh rộng khoảng 5m.

Trước đây, khu chợ Lũng Vài chỉ có ít kho chứa hàng tạm bợ, từ năm 1992, chính quyền nơi này bắt đầu san bằng nhiều quả đồi để quy hoạch, xây dựng thành một khu kinh tế hoành tráng, hoạt động tấp nập sát ra đường biên giới.

Tuy nhiên, xung quanh nơi tổng kho chất đầy hàng hóa này lại không thấy bất kỳ khu dân cư nào, mà chỉ bạt ngàn đồi núi và rừng rậm.



Lóa mắt vì hàng



Từ sáng sớm, các con đường ở Lũng Vài đã tấp nập xe cộ, người qua lại. Những chiếc xe lam chất đầy hàng hóa, người phụ hàng đứng đu người vắt vẻo bên buồng lái, đua nhau chạy.

Xe lam là phương tiện chở hàng phổ biến nhất ở đây vì có thể chất được nhiều hàng nhưng lại đủ nhỏ để vào các khu ngõ hẹp. Rất đông cửu vạn là người Việt Nam đã có mặt từ sáng sớm đang hối hả đóng hàng cho chủ để chuyển qua biên giới.



Vì đến Lũng Vài lần này, chúng tôi không có “tai” dẫn đường, vì thế khá bỡ ngỡ khi lạc vào mê cung hàng lậu này.

Thế nhưng, có một điều khá may mắn là hầu hết tất cả những người chúng tôi gặp ở đây đều nói tiếng Việt rất sõi. Từ người bán hàng, cửu vạn cho tới đám phụ xe lam. Sau khi dạo quanh tổng kho, chúng tôi gặp một từng tải hàng to đùng chất đầy một ki ốt rồi còn tràn cả ra đường.

Tuân bảo tôi, biết đâu hàng mình đang nằm trong những tải to đùng ấy.



Cô nhân viên trông hàng nhìn khá xinh xắn, má lúm đồng tiền bật mí với tôi, kho hàng này sẽ được chuyển về Việt Nam trong nay mai, hàng thời trang này phải nhanh chân, vì nếu không sẽ lỗi mốt, lỗi mùa. Lúc đó chủ hàng trả lại thì có mà đền ốm.

Nở nụ cười đầy tình ý với cô nàng, Tuân kéo tay tôi rảo bước sang những kho hàng khác. Dù có mặt hàng khác nhau nhưng đều chung một cảnh quá tải, dồn cả ra lối đi, và tất cả chúng đang được làm mọi cách để đưa về Việt Nam tiêu thụ.



Thật khó mà vẽ nên một bức tranh đầy đủ về tổng kho hàng Lũng Vài. Nhưng những gì chúng tôi chứng kiến thật đáng quan ngại. Thêm một khu chứa hàng quy mô và kiên cố cao 3 tầng đang được hoàn thiện ngay sát đường biên giới.

Tất cả đã và đang được tổ chức rất hoàn hảo và có mục đích rõ ràng. Trong khi đó, lượng hàng hóa được kiểm duyệt, đóng thuế nhập khẩu từ Lũng Vài qua cửa khẩu Cốc Nam mới dừng lại ở con số rất... khiêm tốn.

Từng xe hàng từ các địa phương nội địa vẫn đang ập về tổng kho hàng biên giới này, trong đó có nhiều mặt hàng kém chất lượng, hàng cấm đang ngày đêm thẩm lậu qua đường mòn, đường tắt của Lạng Sơn về sâu trong nội địa. Có lẽ, các lực lượng chức năng chống buôn lậu tại Lạng Sơn chỉ đang “chiến đấu” với “phần nổi của tảng băng chìm” mà thôi!



Trên đường trở về, vẫn khung cảnh tấp nập ấy tuyệt nhiên không thấy một bóng cơ quan chức năng nào. Nhưng khi định chụp ảnh, chúng tôi bị những cửu vạn đi cạnh nhắc nhở ngay, họ đều hiểu không nên công khai hóa con đường vẫn đang hoạt động rất công khai này.


Theo VietQ

Nguồn:

Tin mới