Hôm 5/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, hợp tác giữa các quốc gia nên cải thiện lòng tin và hòa bình khu vực, không nên nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên thứ ba nào.
"Trung Quốc tin rằng hợp tác giữa các nước cần tăng cường hiểu biết, tin cậy và hòa bình lẫn nhau trong khu vực và không nên nhắm mục tiêu hoặc làm tổn hại đến lợi ích của bên thứ ba", ông Uông Văn Bân nói.
Ông Uông Văn Bân cho rằng: “Thái Bình Dương đủ lớn để tất cả các nước trong khu vực phát triển. Hòa bình và ổn định phụ thuộc vào các quốc gia trong khu vực. Chúng tôi hy vọng Thái Bình Dương có thể trở thành một khu vực hòa bình hơn là vùng biển nơi mọi người khuấy động rắc rối".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. (Ảnh: Kyodo)
Bình luận của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Australia và Nhật Bản chuẩn bị ký một hiệp ước lịch sử - có tên gọi Hiệp ước tiếp cận tương hỗ (RAA), nhằm gia tăng quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến dự kiến diễn ra hôm 6/1 giữa lãnh đạo 2 nước.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, ông và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ ký thỏa thuận tiếp cận đối ứng nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý để lực lượng quốc phòng của hai nước hợp tác với nhau trong việc giải quyết “những thách thức an ninh chiến lược chung”.
Đây được xem là thỏa thuận quốc phòng lớn nhất mà Nhật Bản ký với đối tác nước ngoài trong hơn 6 thập kỷ qua, nhằm gia tăng khả năng ứng phó với những diễn biến mới trong khu vực. Động thái này được dự đoán có thể sẽ làm căng thẳng với Trung Quốc trong khu vực gia tăng.
Quan hệ quốc phòng giữa Australia và Nhật Bản đã được tăng cường, mở rộng dựa trên khuôn khổ của nhóm "Bộ Tứ" - QUAD, gồm Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ, nhằm phối hợp đối phó với những quan ngại chung về Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
QUan hệ Australia và Nhật Bản với Trung Quốc thời gian qua đã trở nên căng thẳng. Australia kêu gọi Trung Quốc mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19, động thái khiến Bắc Kinh không hài lòng và sau đó là màn đáp trả căng thẳng về thương mại giữa hai nước. Trong khi đó, Nhật Bản cũng "lời quan tiếng lại" với Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.