Chính phủ Mỹ đã cảnh báo trong nhiều năm rằng các sản phẩm từ công ty Huawei Technologies của Trung Quốc, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, gây ra rủi ro an ninh quốc gia. Khi Washington tiến hành một chiến dịch toàn cầu để ngăn chặn công ty cung cấp mạng không dây 5G này, Huawei và những người ủng hộ bác bỏ các cáo buộc, cho rằng những lời buộc tội là thiếu bằng chứng.
Theo Bloomberg News, một cuộc điều tra gần đây của họ đã tìm thấy bằng chứng quan trọng làm cơ sở cho các cáo buộc của Mỹ: Đó là vụ tấn công mạng xảy ra ở Australia cách đây gần một thập kỷ, chưa từng được công bố.
Cụ thể, năm 2012, các quan chức tình báo Australia thông tin cho các đối tác Mỹ rằng họ phát hiện ra một vụ xâm nhập tinh vi vào hệ thống viễn thông của nước này, bắt đầu với một bản cập nhật phần mềm từ Huawei, và sản phẩm bị nhiễm mã độc.
(Ảnh minh họa)
Vụ việc được gần hai chục cựu quan chức an ninh quốc gia xác nhận, theo Bloomberg. Đây là những người đã nhận được các báo cáo tóm tắt từ các cơ quan của Australia và Mỹ từ năm 2012 đến năm 2019.
Các quan chức cho biết trung tâm của vụ việc là một bản cập nhật phần mềm của Huawei được cài đặt trên mạng của một công ty viễn thông lớn ở Australia. Bản cập nhật có vẻ hợp pháp, nhưng chứa mã độc hoạt động giống như một máy nghe lén kỹ thuật số. Mã độc sẽ lập trình lại thiết bị bị nhiễm để ghi lại tất cả các liên lạc đi qua thiết bị rồi gửi dữ liệu đến Trung Quốc. Sau một vài ngày, mã tự xóa nhờ cơ chế tự hủy thông minh được nhúng trong bản cập nhật. Cuối cùng, các cơ quan tình báo của Australia xác định rằng các cơ quan gián điệp Trung Quốc đã thâm nhập vào hàng ngũ kỹ thuật viên của Huawei, những người đã giúp bảo trì thiết bị và đẩy bản cập nhật cho hệ thống viễn thông.
Theo thông tin của Australia, các cơ quan tình báo Mỹ năm đó cũng xác nhận một cuộc tấn công tương tự từ Trung Quốc, sử dụng thiết bị Huawei đặt tại Mỹ, theo sáu cựu quan chức. Nhưng họ từ chối tiết lộ chi tiết.
Mike Rogers, một cựu nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ Michigan, người từng là chủ tịch ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ từ năm 2011 đến năm 2015, từ chối thảo luận về các vụ việc. Tuy nhiên, ông xác nhận rằng các lệnh cấm của Mỹ chống lại Huawei một phần được thúc đẩy do các bằng chứng được trình bày riêng với các nhà lãnh đạo thế giới.
Tại Mỹ, Cục Điều tra Liên bang, Cơ quan An ninh Quốc gia, Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng và Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia từ chối bình luận.
Bloomberg cho biết không tìm ra bằng chứng cho thấy lãnh đạo cấp cao của Huawei có liên quan hoặc nhận thức được vụ tấn công. Huawei từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể.
John Suffolk, quan chức an ninh mạng toàn cầu của Huawei, tuyên bố: “Thật khó để bình luận về những suy đoán và ‘nguồn cấp cao’ chưa được dẫn lời. Cũng khó nhận xét về những nội dung chung chung như‘ viễn thông Australia’,‘cập nhật phần mềm’,‘thiết bị’, v.v...”.
Tuy nhiên, ông nói thêm, "không có bằng chứng hữu hình nào được đưa ra về bất kỳ hành vi cố ý làm sai dưới bất kỳ hình thức nào”.
Suffolk nói rằng các kỹ thuật viên của Huawei chỉ có thể truy cập mạng lưới của khách hàng khi khách hàng cho phép, và khách hàng kiểm soát thời điểm các bản cập nhật được cài đặt trên hệ thống của họ. Ông cho biết Huawei coi khả năng nhân viên của họ chịu sự can thiệp là một "mối đe dọa hiện hữu" và có các bước chống lại điều này, bao gồm hạn chế quyền truy cập vào mã nguồn và sử dụng "cơ chế chống giả mạo" để đề phòng.
Suffolk cũng nói rằng Huawei kêu gọi các chính phủ, khách hàng và “hệ sinh thái bảo mật” xem xét các sản phẩm của mình, tìm kiếm các lỗ hổng và “chính sự cởi mở và minh bạch này đóng vai trò như một người bảo vệ tuyệt vời”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố phản đối và sẽ trấn áp mọi hình thức tấn công mạng và hoạt động gián điệp internet theo quy định của pháp luật, chưa kể đến việc hạn chế sự khuyến khích, ủng hộ hoặc âm mưu tấn công bằng tin tặc. Nước này cho rằng Australia đang "vu khống" khi nói Trung Quốc thực hiện các cuộc tấn công mạng và xâm nhập gián điệp, "lạm dụng an ninh quốc gia" để gây áp lực với Huawei và các công ty Trung Quốc.