Năm nay, 616 trường đại học thuộc 30 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á được Tạp chí Times Higher Education (THE) xếp hạng (tăng 65 cơ sở so với năm 2021). Trong đó 5 cơ sở giáo dục Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng: Đại học Tôn Đức Thắng (xếp thứ 75), Đại học Duy Tân (91), Đại học Quốc Gia Hà Nội (301 - 350), Đại học Quốc gia TP.HCM (401 - 500), Đại học Bách Khoa Hà Nội (501+).
Để thực hiện và công bố bảng xếp hạng các trường đại học châu Á năm 2022, Times Higher Education sử dụng bộ tiêu chí gồm 13 chỉ số thuộc 5 nhóm tiêu chí: Giảng dạy (25%), Nghiên cứu (30%), Trích dẫn (30%), Thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ (7,5%) và Triển vọng Quốc tế (7,5%).
Trong tổng số 5 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được xếp hạng, Đại học Quốc gia Hà Nội được đánh giá cao nhất ở nhóm tiêu chí Giảng dạy; tiêu chí Trích dẫn là thế mạnh của Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Duy Tân; Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn duy trì thế mạnh về thu nhập chuyển giao tri thức và công nghệ qua các năm xếp hạng.
4 trường đứng đầu châu Á trong bảng xếp hạng năm nay: Đại học Thanh Hoa (Tsinghua - Trung Quốc), thứ 2 là Đại học Bắc Kinh (Peking - Trung Quốc), thứ 3 là Đại học Quốc gia Singapore, thứ 4 là Đại học Hồng Kông
Với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Singapore có 2 trường tham gia xếp hạng nhưng đều ở vị trí top đầu bảng xếp hạng, Đại học Quốc gia Singapore đứng thứ 3 và Đại học Kỹ thuật Nanyang đứng thứ 5.
Thái Lan tiếp tục có 17 trường trong Bảng xếp hạng THE châu Á 2022; Đại học Mahidol vẫn đứng đầu ở Thái Lan với vị trí 145 ở châu Á (vị trí 130 năm 2021).
Malaysia cũng thêm 3 trường đại học được xếp hạng trong năm nay, nâng tổng số lên thành 18 trường đại học, trong đó Đại học Malaya đứng đầu ở Malaysia với thứ hạng 55 ở Châu Á (49 năm 2021).
Indonesia có 14 trường được xếp hạng trong năm nay (tăng 5 so với năm 2021). Philippines có 2 trường tham gia xếp hạng, trong đó Đại học Philippines đứng đầu ở Philippines và có vị trí 129 ở Châu Á (so với vị trí 84 năm 2021).