Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xung đột Nga - Ukraine thu hẹp 'công xưởng châu Á'?

(VTC News) -

Thặng dư thương mại của Trung Quốc - “công xưởng châu Á” có thể thu hẹp, cùng với nhiều tác động khác do xung đột Nga-Ukraine.

Thặng dư thương mại Trung Quốc đã tăng lên mức cao lịch sử trong thời kỳ đại dịch, khi nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nhiều hơn bao giờ hết. Nhưng các nhà phân tích cho rằng căng thẳng Nga – Ukraine sẽ thay đổi điều này.

Theo ước tính của ANZ Research, thặng dư thương mại của “công xưởng châu Á” có thể thu hẹp xuống còn 238 tỷ USD trong năm nay - tương đương 35% so với 676 tỷ USD lịch sử đã đạt được vào năm 2021.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Capital Economics, nhận định: “Cuộc chiến ở Ukraine sẽ sớm bắt đầu đè nặng lên thương mại ròng của Trung Quốc, do nhu cầu ở nước ngoài giảm và các chi phí nhập khẩu cao hơn”.

Tàu chở hàng tại một cảng biển ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

Cú sốc tăng trưởng với các đối tác thương mại lớn

Nhà kinh tế cấp cao Betty Wang của ANZ Research bình luận, chiến tranh có thể ảnh hưởng rộng hơn tới nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu, qua đó tác động đến Trung Quốc.

Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Theo ANZ Research, xuất khẩu từ Trung Quốc sang EU đã tăng vọt vào năm 2021, chiếm 16% trong tổng 30% tăng trưởng xuất khẩu.

Ông Wang cho biết: “Về mặt thống kê, tăng trưởng kinh tế của EU có mối tương quan cao với tổng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc”. Theo ông, tăng trưởng GDP của EU cứ giảm 1 điểm phần trăm, thì tổng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm 0,3 điểm phần trăm.

Nỗi lo thiếu hụt niken, gián đoạn sản xuất chip

Tình trạng thiếu chất bán dẫn vốn đã trầm trọng trước chiến sự, nay chuỗi cung ứng mặt hàng quan trọng này tiếp tục bị gián đoạn.

Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào ngành xuất khẩu điện tử. Ngành này đóng góp 17,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc năm 2021. Nay, theo ANZ Research, xung đột tại Ukraine đã làm tình trạng thiếu chip toàn cầu ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng cả Ukraine và Nga đều đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Ukraine là nước cung cấp các khí hiếm tinh khiết như neon và krypton, rất cần thiết trong việc sản xuất chất bán dẫn. Họ cũng sản xuất kim loại quý dùng để chế tạo chip, điện thoại thông minh và xe điện.

Chuỗi cung ứng bán dẫn gặp gián đoạn do khủng hoảng Ukraine có thể tác động lớn đến Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của TS Lombard, Trung Quốc nằm trong số các thị trường mới nổi dễ bị thiếu hụt hàng hóa do chiến tranh diễn ra. Đặc biệt, Trung Quốc rất dễ bị tác động nếu nguồn cung niken gặp trục trặc.

Tuần trước, sàn giao dịch kim loại London đã tạm dừng giao dịch niken sau khi giá mặt hàng này tăng hơn gấp đôi trước lo ngại nguồn cung.

Nga là nhà sản xuất niken lớn thứ ba thế giới. Trong khi đó Niken là nguyên liệu chính trong pin xe điện và Trung Quốc là nhà sản xuất xe điện lớn nhất trên toàn cầu. Số lượng xe điện mà nước này xuất khẩu sang các nước khác đã tăng gấp 2,6 lần lên gần 500.000 vào năm 2021 - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Xe điện do Trung Quốc sản xuất chiếm khoảng 44% lượng xe điện được sản xuất từ ​​năm 2010 đến năm 2020.

Giá năng lượng tăng cao

Cuộc khủng hoảng Ukraine dẫn đến biến động giá dầu - tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào tuần trước, trước khi giảm hơn 20%. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới vì vậy chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Các nhà kinh tế Nathan Chow và Samuel Tse của ngân hàng Singapore DBS cho biết, Trung Quốc đã nhập khẩu số sản phẩm năng lượng trị giá 423 tỷ USD vào năm 2021, trong đó, 253 tỷ USD là dầu thô.

Các nhà kinh tế cũng ước tính rằng GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ bị cắt giảm 0,8% nếu giá dầu trung bình tăng từ 71 USD lên 110 USD mỗi thùng trong năm nay.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể tìm giải pháp từ năng lượng Nga. 

Các nhà kinh tế DBS viết: “Với sự trung lập của mình đối với các lệnh trừng phạt Nga, Trung Quốc có thể bù đắp một phần giá năng lượng cao nhờ nhập khẩu rẻ hơn từ Nga".

Phương Anh

Tin mới