Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Việt Nam nỗ lực đảm bảo quyền lợi du học sinh tại Mỹ

(VTC News) -

Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tiếp xúc với các cơ quan hữu quan của Mỹ để cùng trao đổi cụ thể hơn về quy định mới, nhằm bảo đảm quyền lợi của du học sinh Việt Nam.

Cục quan Thực thi pháp luật về Nhập cư và Hải quan Mỹ mới đây thông báo sinh viên quốc tế đang theo học tại Mỹ sẽ phải rời nước này hoặc có thể gặp rủi ro bị trục xuất nếu các trường đại học tại đây chuyển sang chỉ học trực tuyến.

Quyết định này khiến nhiều sinh viên quốc tế lo lắng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ, cũng như những hạn chế đi lại trong thời gian này.

Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã sớm có khuyến cáo tới các du học sinh Việt Nam, đồng thời tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu rõ hơn các quy trình, thủ tục liên quan đến quy định nêu trên, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của du học sinh Việt Nam đang cư trú, học tập tại Mỹ.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc.

Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết: “Chúng tôi cũng quan ngại trước thông báo mới này. Trong những ngày vừa qua, Đại sứ quán cũng như các cơ quan đại diện của ta tại Mỹ đã tiếp xúc với các cơ quan hữu quan của Mỹ để chúng ta cùng trao đổi một cách cụ thể hơn về quy định này. Điểm thứ nhất tôi xin khuyến cáo các du học sinh của chúng ta bình tĩnh và tiếp tục liên hệ với bộ phận đối ngoại của những trường và cơ sở mà các bạn đang học tập và nghiên cứu.

Điểm thứ hai là các bạn giữ liên hệ thường xuyên với Đại sứ quán, các cơ quan đại diện của ta tại Mỹ. Chúng tôi đã cung cấp các đường dây nóng để các bạn có thể liên hệ và hỏi thêm thông tin. Điểm thứ ba đó là các bạn có thể giữ liên hệ với Hội thanh niên-sinh viên Việt Nam tại Mỹ để chúng tôi tiếp tục cung cấp thêm thông tin.

 Hiện nay chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan hữu quan của Mỹ và đề nghị họ cần phải có những biện pháp đáp ứng, đảm bảo quyền lợi của du học sinh của chúng ta trong thời gian học tập ở đây. Hiện nay nhiều trường đã tiếp nhận ý kiến phản ánh của học sinh và cũng nêu với các cơ quan của Mỹ. Trong các nước ASEAN ở đây thì chúng tôi cũng có sự phối hợp để cùng nêu quan ngại và cùng nêu đề xuất này".

Theo quy định của Cục thực thi pháp luật về Nhập cư và Hải quan Mỹ, bắt đầu từ học kỳ mùa thu 2020, các du học sinh nước ngoài đang học tập tại các cơ sở đào tạo của Mỹ theo các diện thị thực F-1 và M-1, nếu dự kiến thực hiện hình thức học trực tuyến 100%, sẽ cần rời khỏi Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không tiếp tục cấp mới hay gia hạn thị thực cho du học sinh, đồng thời Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ sẽ không cho phép nhập cảnh đối với du học sinh thuộc diện này.

Các du học sinh hiện đang ở Mỹ và đã đăng ký học trực tuyến 100% cho các môn học trong học kỳ mùa Thu 2020 có thể lựa chọn hoặc rời Mỹ, hoặc cân nhắc điều chỉnh hình thức học kết hợp giữa lên lớp trực tiếp và học trực tuyến, hoặc chuyển đổi cơ sở đào tạo có hình thức lên lớp trực tiếp để bảo đảm quy chế cư trú hợp pháp tại Mỹ.

Dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp diễn phức tạp tại Mỹ và trong trường hợp các trường buộc phải tổ chức học trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho giáo viên và sinh viên, quy định mới của Cục thực thi pháp luật về Nhập cư và Hải quan Mỹ sẽ gây khó dễ cho các sinh viên buộc phải rời Mỹ trong bối cảnh vẫn còn hạn chế về đi lại.

Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết thêm: “Đại sứ quán và các cơ quan đại diện của ta tại Mỹ cũng đã có nhiều đề xuất. Thứ nhất là tăng các chuyến bay của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam sang để đưa công dân về nước. Thứ hai là chúng ta có thể thực hiện những chuyến codeshare với các hãng hàng không nước ngoài để đưa công dân của ta về nước.

Điểm thứ ba đó là tôi thấy xuất hiện một cơ hội là với việc chính phủ cho phép thí điểm mở các tuyến đường bay hạn chế qua 4 điểm ở khu vực Đông Bắc Á bao gồm Seoul, Tokyo, Đài Bắc và Quảng Châu thì chúng ta cũng có thể khuyến cáo công dân của chúng ta di chuyển về nước qua những địa điểm trung chuyển đó. Đó là một số những biện pháp có thể giúp giảm tải trong thời gian tới”.

Phạm Huân/VOV-Washington

Tin mới