Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Truyền hình trả tiền phải dùng biện pháp đặc biệt để 'vượt khó' do COVID-19

(VTC News) -

COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp truyền hình trả tiền phải dùng biện pháp đặc biệt vượt khó khăn nhưng cũng có doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường dịch vụ.

Một năm qua, COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt, dịch bùng phát lần thứ 4 ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh trên mọi lĩnh vực, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền.

Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để vượt qua khó khăn và duy trì dịch vụ. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp khó khăn đến mức không thể triển khai được hoạt động kinh doanh theo kế hoạch, cá biệt có doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường dịch vụ.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền phải dùng những biện pháp đặc biệt để "vượt khó" do ảnh hưởng của COVID-19.

Theo thống kê, đến hết tháng 11/2021, cả nước có 37 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, đưa dịch vụ này có mặt tại gần 70% tổng số hộ gia đình cả nước, đạt xấp xỉ 17 triệu thuê bao, doanh thu trên 9000 tỉ đồng. Về phạm vi địa lý hành chính, dịch vụ truyền hình trả tiền có mặt trên khắp 63 tỉnh, thành phố với các phương thức cung cấp dịch vụ truyền hình truyền thống qua cáp, vệ tinh và sóng truyền hình mặt đất.

Gần đây, dịch vụ truyền hình trên mạng Internet cùng với sự phát triển của dịch vụ viễn thông băng rộng trong nước đang dần trở thành ứng dụng phổ biến trên các thiết bị cầm tay của cá nhân. Đây là một trong 5 loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền gọi tắt là OTT TV và phát triển rất nhanh đồng hành cùng xu thế xem truyền hình mọi lúc, mọi nơi, theo yêu cầu của khán giả.

Trên thế giới, OTT TV đang khẳng định xu thế thời đại, ở trong nước OTT TV đang từng bước chiếm lĩnh sự quan tâm của đối tượng khán giả trẻ. Trên bằng số liệu khảo sát tại 22 nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình dương, nếu năm 2020, doanh thu dịch vụ OTT TV của khu vực ghi nhận ở mức 29 tỉ đô la Mỹ, thì dự báo đến năm 2026 doanh thu OTT TV sẽ đạt 54 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp gần 2 lần sau 6 năm.

Khu vực này, với dân số xấp xỉ 4,1 tỉ người, dự báo đến năm 2026 sẽ có 2,8 tỉ người dùng điện thoại thông minh so với năm 2020 mới ở mức 2,35 tỉ. Bên cạnh đó, đến năm 2026 sẽ có 563 triệu hộ gia định sử dụng dịch vụ internet băng rộng cố định. Có thể thấy rằng dịch vụ OTT TV là dịch vụ hết sức tiềm năng và phù hợp xu thế vận động của xã hội hiện đại.

Với Việt Nam, đến thời điểm cuối năm 2021, thuê bao OTT TV đạt xấp xỉ 3,7 triệu, chiếm hơn 20% tổng thuê bao truyền hình trả tiền toàn quốc, dự báo tăng trưởng dịch vụ này sẽ ở mức ít nhất gấp 2 lần vào năm 2026.

Hiện tại, các nội dung truyền hình cung cấp đến thuê bao rất phong phú, đa dạng gồm gần 300 kênh truyền hình trong nước và ngoài nước, hàng vạn giờ nội dung truyền hình chuyên đề cho phép xem trực tiếp và trực tuyến theo yêu cầu với chất lượng kỹ thuật rất cao.

Truyền hình trả tiền cũng đang là dịch vụ thiết yếu đối với đời sống xã hội và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong hoạt động thông tin tuyên truyền chính trị cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin giải trí của người dân cả nước.

Kết thúc năm 2021 nhiều khó khăn, Việt Nam sẽ bước sang năm 2022 đầy thách thức, đây là năm bản lề triển khai các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, cũng là năm thích ứng an toàn với dịch bênh COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Lĩnh vực dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước đang đứng trước một số thách thức không nhỏ về áp lực cạnh tranh không bình đẳng đến từ các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới vào Việt Nam.

Hội nghị tổng kết công tác về phát thanh, truyền hình năm 2021. (Ảnh: ABEI).

Vì vậy, để có thể duy trì thị trường dịch vụ ổn định, cạnh tranh và phát triển lành mạnh, cần thiết phải có những quy định mới sát thực tiễn để quản lý các dịch vụ truyền hình từ nước ngoài cung cáp xuyên biên giới vào Việt Nam nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động hết sức nguy hại, như: xâm lăng văn hóa, phổ biến các giá trị sống phương Tây thiếu chọn lọc đến giới trẻ, làm méo mó thị trường dịch vụ trong nước và làm suy yếu ngành sản xuất nội dung trong nước. 

Hy vọng, trong năm 2022, phát huy những kết quả tích cực của năm 2021, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương đồng hành cùng các doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ truyền hình trả tiền tiếp tục vượt qua khó khăn để giữ vững ổn định, từng bước phát triển và làm chủ hoàn toàn thị trường dịch vụ trong nước.

BẢO HƯNG

Tin mới