Nghe thông báo con phải học trực tuyến do nghỉ dịch COVID-19, vợ chồng anh Nguyễn Văn Chinh (Hoàng Mai, Hà Nội) thở dài. Năm trước, con anh học mầm non cũng phải học trực tuyến vì nghỉ dịch COVID-19. Suốt mấy tháng trời kèm con học ở nhà, anh chị hiểu rất rõ nỗi vất vả khi con học theo phương pháp này. Con còn nhỏ, lại hiếu động, hai vợ chồng phải phân công nhau cùng con học.
Được buổi đầu tiên con hào hứng, nhưng sau đó bắt đầu ngọ nguậy không yên, mạng thi thoảng lại chập chờn, khiến cả nhà mệt mỏi. Năm nay, con học lớp 1, anh chị bàn nhau đầu tư chiếc webcam để con học trực tuyến hiệu quả hơn và đỡ hại mắt. Anh Chinh chia sẻ, con học trực tuyến bố mẹ rất vất vả. Học sinh tiểu học đặc biệt là lớp 1 không có được sự tự chủ, tự giác như học sinh trung học nên bố mẹ phải ngồi kèm con trong suốt quá trình học. Sau đó họ còn phải đóng vai giáo viên, giảng bài, hướng dẫn con làm bài tập.
Con học trực tuyến phải nhìn vào màn hình điện thoại quá nhiều cũng là một lý do anh Chinh cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của con.
“Học theo cách này có hiệu quả không? Bởi các con học trực tiếp trên lớp cùng giáo viên đôi khi còn xao nhãng chứ đừng nói chuyện học trực tuyến. Tâm lý phần đông của cha mẹ vẫn là mong con được đến trường. Nhưng điều kiện dịch COVID-19 như thế này buộc phải chấp nhận. Tôi chỉ mong chất lượng hình ảnh và đường truyền internet được cải thiện để đỡ hại mắt của các con”, anh Chinh giãi bày.
Nhiều gia đình không tiếc tiền đầu tư trang thiết bị hiện đại cho con học trực tuyến. (Ảnh minh họa: V.N)
Nhà có người giúp việc nhưng chị Vũ Thị Thủy không thể yên tâm giao phó việc học của con cho người khác. Chị kể có bữa bé nhà chị tìm cách trốn học bằng nhiều lý do như đau bụng, cảm, sốt hoặc thậm chí ngồi lì trong nhà vệ sinh, đợi hết tiết mới ra ngoài. Bác giúp việc thấy bất lực vì quát mắng thì không được nhưng không thể dỗ dành con ngồi yên để học bài. Bác nói: “Cháu cứ học trực tuyến một tháng là kiểu gì bác cũng xin nghỉ”. Vì thế hai vợ chồng chị Thủy mặc dù rất bận nhưng cũng đành thu xếp thời gian ngồi học cùng con.
Theo chị, rất khó để các con tiểu học tự giác học trực tuyến. Như con chị chỉ ngồi trên máy 5-7 phút là bắt đầu xao nhãng. Các con chỉ là miễn cưỡng ngồi học nhưng nhiều khi cô giáo đặt câu hỏi thì không trả lời, vờ như không nghe thấy.
Chị Thủy chia sẻ: “Con học trực tuyến phụ huynh rất vất vả vì phải kèm con học. Nhiều lần cô giáo giao bài nhưng con không chịu làm. Đánh mắng không được, mà giảng giải thì con bảo mẹ dạy khác cô nên con không hiểu. Những điều đáng lo nhất là bé nhìn nhiều điện thoại có sợ bị bệnh về mắt không?”.
Phụ huynh vất vả khi con học trực tuyến. (Ảnh minh họa: V.N)
Theo nhiều phụ huynh, việc học trực tuyến sẽ giúp trẻ không bị ngắt quãng kiến thức hoặc đơn giản là con có việc mà làm, không đi chơi lung tung. Tuy nhiên không ít cha mẹ bày tỏ lo lắng việc học trực tuyến với học sinh lớp tiểu học nhất là lớp 1 có hiệu quả hay không, hay chỉ giải quyết bài toán tâm lý là phần nhiều. Trong khi đó con học trực tuyến, cha mẹ cũng vất vả hơn nhiều do phải kèm cặp con học. Ngoài ra chất lượng hạ tầng như đường truyền internet chưa tốt cũng là lý do việc dạy học trực tuyến không được nhiều người ủng hộ.
Chia sẻ với những khó khăn của phụ huynh, cô giáo Lê Thị Thủy ở Hà Nội cho biết, với hình thức học trực tuyến, trẻ gặp khó khăn khi chưa sử dụng được máy tính hoặc điện thoại, trẻ lại hiếu động, chưa tập trung nên luôn phải có phụ huynh ngồi kèm. Khó khăn thứ hai là việc học trực tuyến tương tác sẽ không được như ở trên lớp. Cô giáo khuyên các phụ huynh nên kiên nhẫn chỉ bảo, tránh quát mắng các con, ảnh hưởng tâm lý của trẻ.
Cô giáo Lê Cẩm Vân (Hà Nội) chia sẻ, hình thức học trực tuyến không chỉ các con vất vả mà bản thân giáo viên, phụ huynh cũng rất vất vả. Phụ huynh phải đóng vai thầy cô giáo ở nhà. Đối với trẻ lớp 1, các con phải học âm, vần vì thế thiếu sự hướng dẫn của giáo viên là thiệt thòi cho các em.
Tuy nhiên phụ huynh cũng không nên quá lo lắng. Cha mẹ nên quay lại clip con mình đọc bài rồi gửi cho giáo viên. Từ đó thầy cô sẽ uốn nắn riêng cho từng bạn. “Việc học trực tuyến là giải pháp tạm thời trong bối cảnh dịch COVID-19. Sau khi dịch lắng xuống, các con đến trường, chúng tôi sẽ nâng khối lượng kiến thức để các con kịp chương trình. Vì thế phụ huynh không nên quá lo lắng. Điều quan trọng là để các con thoải mái tinh thần và có được tâm lý tốt nhất”, cô Lê Cẩm Vân nói.