Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

TP.HCM đề xuất mở rộng mạng lưới Metro lên 510km vào năm 2045

(VTC News) -

TP.HCM đề xuất mở rộng mạng lưới Metro lên 510 km vào năm 2045, tăng quy mô đầu tư, rút ngắn tiến độ, nhằm phát triển giao thông hiện đại, đồng bộ.

Thông tin trên được Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm - thay mặt UBND Thành phố trình bày đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM (đề án Metro) - tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa X, chiều 10/12.

Theo ông Lâm, đề án được xây dựng theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo tờ trình, đề án Metro đã qua quá trình xem xét kỹ lưỡng và nhận được sự đồng thuận cao từ nhiều cấp lãnh đạo. Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã thống nhất về chủ trương. Đề án cũng đã được trình Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Kinh tế Quốc hội lấy ý kiến, đồng thời tổ chức thảo luận với các cơ quan trung ương và các bộ ngành liên quan.

Thành phố đặt mục tiêu xây dựng hệ thống metro hiện đại, đồng bộ với quy hoạch tổng thể đường sắt quốc gia, góp phần phát triển giao thông bền vững, giảm thiểu ùn tắc và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm. (Ảnh: Việt Dũng)

Đến năm 2035, thành phố dự kiến hoàn thành 7 tuyến metro dài khoảng 355 km, với tổng mức đầu tư sơ bộ 40,21 tỷ USD. Đến năm 2045 hoàn thành thêm 155 km, nâng tổng chiều dài lên 510 km. So với kế hoạch trước đây, quy mô đầu tư giai đoạn 2035 tăng từ 183 km lên 355 km và vốn đầu tư tăng hơn 3 tỷ USD. Điều này giúp rút ngắn lộ trình hoàn thành toàn bộ mạng lưới metro theo quy hoạch, từ năm 2060 xuống năm 2045.

Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới Metro sẽ giải quyết những bất cập về giao thông đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển một thành phố hiện đại, văn minh. Metro không chỉ là giải pháp giao thông mà còn đóng vai trò chủ đạo trong định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development), kết nối các khu vực và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.

Để đạt được mục tiêu, UBND TP.HCM đề xuất: 30 chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 13 chính sách thuộc thẩm quyền Chính phủ.

Các chính sách tập trung vào huy động và bố trí nguồn vốn ưu tiên; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho TP.HCM; rút ngắn thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải đã trình Thường trực Chính phủ xem xét đề án vào ngày 25/11. Thường trực Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, TP.HCM và các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị đề án.

Theo Thường trực Chính phủ, đề án cần thể hiện tư duy hiện đại, tầm nhìn chiến lược với cách tiếp cận mới, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ và khả thi trong triển khai.

Với sự đồng thuận từ các cấp lãnh đạo và lộ trình rõ ràng, TP.HCM đang quyết tâm hoàn thiện hệ thống metro như một bước đột phá quan trọng để phát triển giao thông đô thị, cải thiện chất lượng sống và thúc đẩy phát triển bền vững trong tương lai.

Cũng tại kỳ họp, UBND TP.HCM đã trình HĐND TP.HCM dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ giá vé và kinh phí vận hành cho dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và tàu điện trên địa bàn.

Cụ thể: Hỗ trợ 100% giá vé cho người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi. Ngoài ra, trong 30 ngày đầu từ khi tuyến Metro số 1 vận hành thương mại, hành khách sử dụng tàu điện này cũng được miễn phí toàn bộ giá vé.

Đồng thời, từ ngày 1/1/2025, hành khách sử dụng xe buýt kết nối với tuyến Metro số 1 cũng được miễn phí giá vé cho đến khi kết thúc chính sách hỗ trợ vé tàu điện.

TP.HCM dự kiến chi khoảng 43,3 tỷ đồng/năm cho việc hỗ trợ miễn, giảm giá vé xe buýt và tàu điện. Riêng trong 30 ngày thử nghiệm miễn phí giá vé cho hành khách sử dụng hai phương tiện này, ngân sách cần chi khoảng 33,1 tỷ đồng.

Hoàng Thọ

Tin mới