“Quốc gia nào tiếp nhận các chiến binh IS và quốc gia nào không làm như vậy - chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục trục xuất các tù nhân IS”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan nói với các phóng viên ở Ankara hôm 12/11.
Đồng thời, ông Erdogan cảnh báo: "Bạn nên xem lại lập trường của mình đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi giam giữ rất nhiều thành viên IS trong tù và kiểm soát họ ở Syria".
AP cho biết, phát biểu của ông Erdogan nhằm đáp trả Liên minh châu Âu, về khả năng liên minh này áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc khoan phá đảo Síp. "Ông Erdogan đang sử dụng các tù nhân IS để mặc cả với EU và đó là một bước đi đáng lo ngại", AP cho hay.
EU tiến thêm một bước mới trong nỗ lực đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì khoan thăm dò dầu khí trái phép ở ngoài khơi đảo Síp.
Ngày 11/11, EU chính thức thông qua khung pháp lý để chuẩn bị trừng phạt những người liên quan đến hoạt động trên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo đó, các lệnh trừng phạt sẽ bao gồm lệnh cấm nhập cảnh vào EU và đóng băng tài sản. Ngoài ra, các cá nhân và tổ chức thuộc diện trừng phạt sẽ bị cấm vay vốn từ EU.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cảnh báo thả tù nhân IS trở lại châu Âu. (Ảnh: Anadolu)
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11/11 trục xuất chiến binh IS quốc tịch Mỹ và sẽ sớm trục xuất 7 chiến binh quốc tịch Đức. Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu hồi hương khoảng 2.500 chiến binh IS, phần lớn trong số họ sẽ được gửi trả về các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Hiện có 813 chiến binh thánh chiến IS tại 12 trung tâm chờ trục xuất ở nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản các tù binh IS sau khi lực lượng người Kurd rút khỏi Đông Bắc Syria. Một số chiến binh IS được cho là thừa lúc tình thế hỗn loạn trốn thoát khỏi nhà tù. Thổ Nhĩ Kỳ dừng chiến dịch quân sự và đang cùng Nga tuần tra ở biên giới Syria sau khi yêu cầu người Kurd rút quân.
YPG, thành phần chính của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và là đồng minh của Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo, giam giữ hàng nghìn chiến binh thánh chiến trong các nhà tù ở phía Đông Bắc Syria.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên kêu gọi các nước châu Âu nhận về những chiến binh IS là công dân nước họ, nhưng nhiều chính phủ không muốn làm vậy vì lo ngại về an ninh và phản ứng dữ dội của công chúng trong nước.
Người châu Âu chiếm 1/5 trong số khoảng 10.000 chiến binh IS bị giam giữ tại Syria. Đan Mạch, Đức và Anh tước bỏ một số quyền công dân của những người này.