Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tâm sự của người đàn ông nghiện phẫu thuật thẩm mỹ

(VTC News) -

"Tôi không thể nhớ bao lần lên bàn mổ chích thuốc tê, gây mê trong suốt 10 năm qua, tôi chỉ nhớ riêng mũi, tôi sửa tới lần thứ 13 và không chắc đó là lần cuối cùng".

Nhắc tới những gương mặt “hot boy dao kéo Sài thành” 8X đời đầu, hẳn nhiều người sẽ còn nhớ đến cái tên Hà Nhuận Nam. Anh có niềm đam mê với công nghệ làm đẹp và gây chú ý khi công khai phẫu thuật thẩm mỹ thay đổi hoàn toàn khuôn mặt.

Hôm gặp gỡ ấy, thay vì câu chào, hỏi thăm nhau sức khoẻ, câu nói quen thuộc của anh khi vừa thấy tôi là "có thấy anh lạ không? đẹp chứ nhỉ". Chắc chắn anh không cần sự nhận xét bởi đó là thói quen của anh từ nhiều năm qua, thay vì chờ bị hỏi, anh luôn tự "khoe" sự thay đổi của mình với niềm hạnh phúc.

Hơn 10 năm trùng tu nhan sắc, anh tâm sự với VTC News về cái được cái mất, giá phải trả khi “nghiện” phẫu thuật thẩm mỹ.

Ám ảnh

Không phải bỗng nhiên tôi trở thành một người nghiện “dao kéo”. Lần đầu quyết định tìm tới phẫu thuật thẩm mỹ là vì quá tự ti về ngoại hình. Năm 2010, ra trường đi xin việc, ngoại hình của tôi rất khó coi, đen nhẻm, xấu xí. Và tất nhiên tôi đã nhận được cái nhìn không mấy thiện cảm từ người tuyển dụng. Sau vài lần, tôi bị sốc. Đó là thất bại đầu đời và đau đớn nhất.

Phẫu thuật thẩm mỹ xong, tôi cảm thấy tự tin hơn hẳn trong giao tiếp. Tôi nhận ra, mình không chỉ thay đổi vẻ bề ngoài mà trong suy nghĩ cũng dần chuyển biến như mình trở thành một con người mới, phiên bản mới tốt hơn.

Tôi hiểu rằng bản thân phải biết yêu quý, trân trọng cơ thể mình thì mới biết yêu thương và quan tâm người khác. Đối với tôi, “sắc đẹp cũng là một dạng tài năng”, đặc biệt trong một số công việc, ngoại hình quyết định 50% sự thành công.

Thường những người nghiện thẩm mỹ có tâm lý ham mê cái đẹp, thích ngắm những người đẹp và yêu quý bản thân mình đến mức ảo tưởng. Cơn ác mộng mà tôi sợ nhất là một sáng mai thức dậy mình trở lại phiên bản cũ ngày xưa, thời chưa từng làm gì.

Anh Hà Nhuận Nam trước và sau khi phẫu thuật thẩm mỹ.

Sau vài lần chỉnh sửa, nhan sắc đã cải thiện rõ rệt và không có ý định lấn sân vào showbiz và nghe nhiều thắc mắc kiểu “Đẹp rồi, nhưng tại sao lại tiếp tục phẫu thuật thẩm mỹ nhiều đến vậy?”, tôi mới dám khẳng định nghiện phẫu thuật thẩm mỹ là có thật.

Nhưng cái nghiện này nó khác với kiểu nghiện thuốc lá, cà phê...

Nghiện ở đây nó lạ lắm! Đó là cảm giác chung của chúng tôi, luôn bị áp lực về cái đẹp của bản thân và không bao giờ thấy hài lòng về nhan sắc của chính mình. Sửa chỗ nào được rồi lại muốn đòi làm thêm cái khác. Điều đó thôi thúc chúng tôi sẵn sàn lên bàn mổ, chịu chích tê, chấp nhận gây mê mà không sợ bất kỳ rủi ro hay đau đớn nào.

Thú thật, từ lần đầu tiên tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ đến nay, tôi không thể nhớ đã bao lần lên bàn mổ chích thuốc tê và gây mê nữa. Nhưng chắc chắn tôi đã sửa lại mũi lần thứ 13, không biết có lần thứ 14 không nữa. Mọi người thường nói chỉ vài tháng không gặp sẽ không nhận ra tôi.

Hà Nhuận Nam từng phẫu thuật tạo hình môi trái tim, cắt khoé môi cười, cắt bọng mỡ mí dưới, nhấn mí, sửa cằm, kéo ngắn trán, cắt chân mày và bọc răng sứ...

Tuy không thể nhớ hết những lần lên bàn mổ, thế nhưng tôi vẫn mang theo mình sự ám ảnh và rùng mình mỗi khi nhớ lại là đại phẫu kéo ngắn trán. Vốn dĩ tôi có trán rất cao, người ta hay gọi là trán dô. Đó cũng là khuyết điểm khiến tôi không hài lòng nhất trên gương mặt. Để có ca phẫu thuật đó, tôi phải năn nỉ và thuyết phục bác sĩ Hiệp Lợi trong suốt 2 năm. Đó là ca phẫu thuật đầu tiên và cũng là cuối cùng mà bác chịu làm cho tôi.

Hậu phẫu thuật, các y tá có kể lại tôi chảy máu rất nhiều. Bác sĩ phải cắt theo đường chân tóc phần trán từ bên này qua kia, rồi lột 1/2 đỉnh đầu từ trán về sau để kéo phần da xuống. Tôi cảm thấy ám ảnh bởi một năm sau phẫu thuật, phần da đầu của tôi mới có cảm giác khi sờ vào, trước đó bị tê liệt.

Thời điểm đó ra đường tôi cảm thấy rất sợ khi tưởng tượng nếu ai đó vô tình đùa giỡn, túm giật tóc có thể làm da đầu bị lột ra mất!

Đánh đổi quá nhiều

Cuộc sống luôn tồn tại song song hai mặt tốt và xấu, phẫu thuật thẩm mỹ cũng vậy, nó khiến mọi người đẹp hơn, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và chắc chắn phải có những đánh đổi. Bởi vậy mới có những trường hợp biến chứng, biến dạng, thậm chí mất mạng vì phẫu thuật thẩm mỹ. Bản thân tôi phải thú nhận rằng, phẫu thuật thẩm mỹ quá nhiều đã ảnh hưởng tới sức khoẻ, do gây mê, gây tê và cả uống kháng sinh.

Tôi vẫn hay nói với bạn bè rằng, tôi chỉ sống cho hiện tại và tương lai, những chuyện trong quá khứ, tuổi thơ thời học sinh, sinh viên dù vui hay buồn mình không thể nhớ được, đừng ai nhắc với mình chuyện quá khứ, vì mình không nhớ gì cả. Cảm giác lạc lõng trong chính câu chuyện của mình thật kinh khủng!

Đánh đổi quá nhiều, nhưng bây giờ hỏi tôi có hối hận không? Nói tới đây chắc mọi người sẽ cho rằng tôi sắp bao biện cho bản thân. Trước khi trả lời, tôi chỉ muốn hỏi có bao giờ bạn từng có ước mơ chấp nhận đánh đổi 10 năm sống để đổi lấy ngoại hình hoàn hảo hơn không? Tôi thì có, dù bản thân có trải qua vài lần phẫu thuật không như ý, vài lần tiếc nuối, vài lần “giá như” thì tôi cũng không hối hận vì từng “dao kéo”.

Tuy vậy, trên hành trình đi tìm vẻ ngoài hoàn hảo, tôi cũng mắc phải không ít sai lầm. Cái lớn nhất mà tôi mắc phải là để cho bác sĩ cắt cánh mũi và lấy sụn vách ngăn để sửa mũi ở lần phẫu thuật đầu tiên. Việc cắt cánh mũi khiến cho mũi tôi sau này không thể sửa cao như mong muốn, còn việc lấy sụn vách ngăn để lại hậu quả khiến vách ngăn bị lệch, chức năng thở hai bên mũi không đều.

Hà Nhuận Nam cảm thấy may mắn vì mặc dù sửa đi chỉnh lại nhiều lần, nhưng gương mặt vẫn còn chút tự nhiên.

Phẫu thuật thẩm mỹ vốn dĩ sẽ không đẹp mãi mãi, dù có sửa thành công đến đâu thì ai cũng sẽ lão hoá sau vài năm. Bởi vậy mới có nhiều người cứ sau 5, 6 năm đi tìm bác sĩ để căng da mặt, chỉnh mũi lại một tí, treo mí mắt lên cho đỡ xệ, chỉnh lại ngực hoặc hút mỡ…

Có sự thật là ai cũng muốn và đòi hỏi bác sĩ phải sửa cho mình dáng mũi, mí mắt, bờ môi... giống hình mẫu nào đó. Tôi cũng từng yêu cầu bác sĩ sửa mũi đẹp giống ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc nhưng thực tế đó là điều không thể.

Để ý sẽ thấy, những trường hợp cố tình phẫu thuật gương mặt giống ai đó y đúc trên thế giới đều thất bại. Thường là họ bị nhận xét là thảm hoạ, mặt cứng đơ và bị chê là thiếu tự nhiên.

Chưa có bất kỳ ai sửa giống ai thành công cả, bởi mỗi người đều có một nét đẹp và dáng mũi khác nhau. Một gương mặt đẹp là khi có sự hài hoà, cân đối bởi tất cả các nét trên gương mặt, chứ không phải cứ là mặt vline, mũi cao vút, môi trái tim, mắt hai mí mới là đẹp.

Trong tất cả các ca phẫu thuật thẩm mỹ, sửa mũi là dịch vụ khó “nuốt” nhất đối với bác sĩ và khó thành công nhất với khách hàng, bởi tỉ lệ phải sửa đi, chỉnh lại rất nhiều.

Với kinh nghiệm và bài học xương máu của người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, tôi cũng muốn chia sẻ và nhắn nhủ đến ai quan tâm việc làm đẹp nhờ phẫu thuật thẩm mỹ một vài điều quan trọng trước khi đi đến quyết định thay đổi điều gì trên gương mặt hay cơ thể của mình.

Đầu tiên là phải tìm đúng địa chỉ bác sĩ uy tín, có tay nghề và được đào tạo từ trường lớp. Tôi cảm thấy sợ khi bây giờ có quá nhiều bạn trẻ trở thành bác sĩ, nhận mấy ca tiểu phẫu chỉ sau vài tháng học nghề. Có những bạn trẻ năm ngoái còn thấy làm một công việc nào đó, một hai năm sau gặp đã trực tiếp cắt mắt, làm môi và tiêm chích filler, botox cho khách hàng và đăng công khai trên mạng.

Tôi có nguyên tắc, sửa gì cũng được, nhưng sẽ không cổ xuý cho việc lạm dụng tiêm chích filler hay botox. Dù là hàng tốt hay gì thì đều sẽ bị tác dụng phụ, dễ khiến cơ mặt thiếu tự nhiên, nếu ai đó nhẹ dạ để bị lừa tiêm silicon thì thôi xong, khổ cả đời!

Và lời nhắn nhủ quan trọng nữa, phẫu thuật thẩm mỹ là một hành trình không đơn giản. Bạn sẽ phải chịu những cơn đau, những rủi ro, đôi khi không lường trước được. Bạn hãy cân nhắc thật kỹ những điều này trước khi quyết định làm đẹp bằng dao kéo.

Trịnh Trang (Ghi)

Tin mới