Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tác giả của tổ hợp 'cut-copy-paste' qua đời

Larry Tesler, cựu nhân viên Apple được đánh giá là người đàn ông nhiệt huyết, đam mê, mong muốn mang đến tương tác tối ưu giữa con người và máy tính.

Tesler từng đảm nhận vai trò Phó chủ tịch AppleNet và Advanced Technology Group của Apple. Khoảng thời gian làm việc cho Apple từ 1980-1997, ông đóng vai trò chủ chốt trong phát triển các sản phẩm như máy tính Lisa, tablet Newton MessagePad.

Tính năng đáng kể nhất trong cuộc đời nhà khoa học máy tính này sáng tạo chính là các lệnh cut, copy, paste được hàng tỷ người dùng Internet sử dụng mỗi ngày. "Nhờ có ông, đời sống Internet của chúng ta dễ dàng hơn rất nhiều", The Next Web bình luận.

 Cha đẻ cut-copy-paste Larry Tesler. (Ảnh: Thenextweb)

Sinh ra tại New York năm 1945, Tesler theo học khoa học máy tính tại Đại học Stanford. Thập niên 1960, Tesler tham gia biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam và dạy học tại Đại học Free, San Francisco. Một trong những lớp ông dạy là "How to End the IBM Monpoly" - "Làm sao để kết thúc thế độc quyền của IBM". Trớ trêu thay, phần lớn những người theo học đều là nhân viên của IBM.

Năm 1970, Tesler tham gia sáng lập một nhóm hippie ở bang Oregon, trước khi đến làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Xerox Palo Alto (PARC) năm 1973, cùng Tim Mott để tạo ra trình soạn thảo văn bản Gypsy. Chính trong Gypsy, ông đã sáng chế bộ lệnh tiện lợi trên.

Tesler đam mê "điện toán không chế độ", hàm ý người dùng không cần chuyển đổi liên tục giữa các chế độ nhập liệu văn bản. Chiếc xe Dodge Valiant của ông gắn tấm biển với dòng chữ "NO MODES". Bản thân ông cũng thường chiếc áo thun in chữ "Don't Mode Me In". Chưa hết, tài khoản Twitter của ông là "@nomodes".

Có thể nói, Tesler là nhân vật rất thú vị trong ngành điện toán. Ông là sự kết hợp hoàn hảo của văn hóa hippie và high-tech, những thứ đã làm nên Apple danh giá ngày nay.

Tesler được đánh giá là người đàn ông "nhiệt huyết và đầy đam mê". (Ảnh: Tellerreport)

Tesler nằm trong nhóm 3 nhân viên PARC gặp Steve Jobs cuối năm 1978. Khi Jobs được tiếp xúc với giao diện đồ họa người dùng tại trụ sở PARC, ông lập tức mang nó giới thiệu công chúng trên chiếc máy tính Lisa và Macintosh. "Bộ óc Steve nảy số cực nhanh. Ông ấy liên kết mọi thứ với tốc độ không tưởng", Tesler ca ngợi cựu lãnh đạo Apple năm 2011.

"Chúng tôi là những con chiên của công nghệ với đầu óc logic. Nhưng Steve còn giỏi cả marketing, phân phối sản phẩm, tài chính kế toán... mọi khía cạnh trong kinh doanh", ông nói. Một thời gian ngắn sau, Tesler nghỉ việc tại Xerox và gia nhập Apple, dù đây mới chỉ là start-up tương đối nhỏ khi đó.

"Mọi người thường nhầm tôi là cha đẻ của giao diện người dùng máy Macintosh. Không, nếu xét theo mối quan hệ cha con, tôi chỉ một trong nhiều ông bà của nó", Tesler cho biết.

Di sản của ông đã khiến việc trải nghiệm máy tính của người dùng dễ dàng hơn bao giờ hết. (Ảnh: MPmania)

Dù nhiều nhân viên Apple nhận định Steve Jobs như kẻ gây rắc rối, Tesler ngược lại thích thú với sự nhiệt tình quá mức của Steve. "Một hôm ông ấy gọi tôi vào lúc 2h sáng. Tôi không nhớ ông ấy đã xin lỗi hay chưa, nhưng tôi cảm thấy tự hào khi được Steve gọi vào giờ đó. Tôi đem chuyện ấy ra đùa vào ngày hôm sau. Hóa ra mọi người lại ác cảm chuyện đó, bởi họ từng trải qua chuyện tương tự với Steve. Một số người còn lưu lại chuyện này để kiện ông ấy", Tesler cho biết.

Tesler rời Apple năm 1997. Một thời gian sau ông làm việc cho Amazon, rồi Yahoo! và đến 23andme. Thập kỷ vừa qua, ông là tư vấn viên công nghệ tự do.

Larry Tesler qua đời hôm 17/2/2020. "Ông là người nhiệt huyết, đam mê, mong muốn mang đến tương tác tối ưu cho con người và máy tính. Tesler luôn hào phóng thời gian với mọi người và là người đàn ông tốt bụng", Culf of Mac bình luận.

Nguồn: Zing News

Tin mới