Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những cơn sốt đất tại nhiều địa phương. Mỗi lần đất sốt ở đâu là lại thấy cảnh người người đông đúc, chen lấn, thậm chí giành giật nhau những lô đất có vị trí đẹp. Họ hỏi han, trả giá, mặc cả và xuống tiền như mua mớ rau, con cá.
Tuy nhiên, bên cạnh số ít những khách có nhu cầu thật và mua thật, đa số những người còn lại đến dự phiên “chợ đất” này đều là môi giới, người thân, người nhà của môi giới và chủ đất được kéo đến để làm diễn viên quần chúng, tạo bầu khí đông đúc, nhộn nhịp, khiến nhiều người lầm tưởng đất đai khu vực này đang sốt vì được nhiều người quan tâm.
Theo lời kể của chị Nguyễn Thu Trang, một "cò đất" lâu năm ở Phú Cát (Quốc Oai, Hà Nội), chủ đất mỗi khi có khách quan tâm đều sẽ gọi 2-3 người thân nhảy vào dàn dựng cảnh giành giật nhau mua lô đất. Thậm chí, họ liên tiếp trả giá lên mức cao để người mua thật đua giá theo họ.
Khi đến một mức giá ưng ý thì chủ đất sẽ xuất hiện và thông báo hiện miếng đất có tới có 3-4 người cùng muốn mua nên để mua được đất các bên phải tự thương lượng với nhau. Đến lúc này, môi giới sẽ nói nhỏ với khách thật là cố trả thêm 50 triệu đồng, họ sẽ nói riêng với chủ để ký cọc.
Nhiều kịch bản được dựng sẵn phía sau những cơn sốt đất. (Ảnh minh họa: VNN)
Vậy là thay vì mức giá ban đầu đưa ra, sau khi các bên tự ngồi "đấu giá" đã tăng thêm vài triệu đồng/m2. Hạ màn, những người thân quen của chủ đất đều rút lui, còn người mua thật thì "dính bẫy" mua đất giá cao mà không hay biết. Thậm chí, thấy lô đất được nhiều người quan tâm nên khi mua được, khách cũng vui ra mặt vì nghĩ rằng, mua cái bán sẽ lãi ngay.
Các đối tượng môi giới cũng có chiêu thức thông đồng, bắt tay nhau để "thổi" giá. Họ thường huy động hàng trăm người xếp hàng, thậm chí còn giả chen lấn, để tạo ra khung cảnh nhộn nhịp tại các khu vực đấu giá, giao dịch nhà, đất.
Thậm chí, mỗi lần có khách hàng đến văn phòng giao dịch, các môi giới sẽ thông tin cho những người khác nhập vai y như khách mua thật. Trường hợp khách còn chần chừ, người đóng vai khách mua sẽ lập tức làm thủ tục xuống tiền đặt cọc, trả cao hơn khách thật để tạo niềm tin và tạo sự nhộn nhịp giả.
Một chiêu thức phổ biến khác cũng được các môi giới nhà đất sử dụng là tung tin đồn. Ví dụ: khu vực này sắp có Tập đoàn A hoặc Tập đoàn B đến xây dựng dự án lớn. Nhiều trường hợp, trên mạng xã hội còn lan truyền văn bản giả kiến nghị nghiên cứu lập dự án của doanh nghiệp. Vì thế, giá đất khu vực này cũng bỗng nhiên được “thổi” lên cao.
Không chỉ tại các phiên chợ đất tự phát, tại nhiêu phiên đấu giá đất, nhiều chiêu trò đẩy giá đất cũng được môi giới sử dụng.
Anh Nguyễn Văn Hải, môi giới nhà đất lâu năm ở Hà Nội cho biết, khi biết thông tin một khu đất chuẩn bị đấu giá, nhóm đầu cơ sẽ gom những mảnh đất có vị trí gần đó để khiến thị trường khu vực đó trở nên “nóng”. Cùng lúc đó, nhóm sẽ tiếp tục đăng bài trên các group mua bán bất động sản cùng hình ảnh đông đúc tập trung người bán.
Khi đã gom đủ quỹ đất và liên tục đăng tin trên các trang rao bán bất động sản và hội nhóm trên mạng xã hội, nhóm đầu cơ nộp số lượng lớn hồ sơ để tham dự phiên đấu giá đất và chỉ việc chờ tới ngày đấu giá.
Trong phiên đấu giá, nhóm này sẽ trả cao hơn hơn so với thị trường nhằm mua được càng nhiều càng tốt để bán chênh. Đặc biệt, một số lô đất ở vị trí đẹp hơn như lô góc, đường lớn sẽ được trả cao vợt, thậm chí gấp 3-4 lần so với giá khởi điểm. Đây cũng là mục đích của nhóm tạo cho người có mặt tại phiên đấu giá thấy đất khu vực này được định giá cao.
Hết phiên đấu giá, kết hợp cùng với nhóm cò đất trước đó thi nhau tranh mua nhằm tạo hiệu ứng thanh khoản cao, đất có giá. Lúc này những người đấu giá không trúng sẽ mua lại những mảnh đất trúng của nhóm này chênh với giá 200-300 triệu đồng. Tuy nhiên, những mảnh đất xung quanh khu vực đấu giá mà nhóm đầu cơ đã mua trước đó sẽ bắt đầu được bán với mức giá rẻ hơn so với đất tại khu đấu giá. Đây chính là chiêu bài "tóm gọn người mua" của giới đầu cơ, dù người mua có mua ở khu vực đấu giá hoặc ngoài khu vực cũng đều là đất của họ và họ thu được lợi rất nhiều.
Những lô đất được trả cao vọt gấp 2-3 lần thị trường nếu không sang tay được ngay cho người khác thì nhóm sẽ sẵn sàng bỏ cọc vì mỗi lô đất họ chỉ cọc từ 100-200 triệu đồng, hoàn toàn không đáng gì so với lợi nhuận họ thu được từ chiêu bài trên.