Như vậy là cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai và cũng là cuối cùng giữa hai ứng cử viên tổng thống Donald Trump và Joe Biden đã chính thức khép lại. Không lặp lại cảnh hỗn loạn nhất trong lịch sử như cuộc tranh luận lần đầu, nhưng cuộc “so găng” cuối cùng giữa hai ứng cử viên cũng gây những phản ứng trái chiều.
Đây có thể được xem là cơ hội cuối cùng để cả Tổng thống Trump và cựu Phó Tổng thống Biden tiếp cận với đông đảo khán, thính giả Mỹ trước Ngày bầu cử.
Trong thời gian 90 phút, cả hai ứng cử viên đã lần lượt trả lời các câu hỏi mà người điều phối chương trình Kristen Welker đặt ra theo 6 chủ đề đã được công bố từ trước, song đều xoay quanh cuộc khủng hoảng y tế công cộng nghiêm trọng và tình trạng suy giảm kinh tế mà nước Mỹ đang phải đối mặt.
Việc Ủy ban tranh luận tổng thống quyết định sử dụng nút tắt micro đã phần nào phát huy tác dụng khi màn “so găng” cuối cùng này giữa hai ứng cử viên đã diễn ra trật tự hơn so với phiên đầu tiên. Tuy nhiên, theo thống kê của NBC News, hai ứng cử viên đã có tổng cộng gần 50 lần gây gián đoạn và công kích lẫn nhau tới hơn 200 lần.
Ông Trump (trái) và ông Biden. (Ảnh: USA Today)
Không nằm ngoài dự đoán, Tổng thống Donald Trump dành khá nhiều thời lượng trong phiên tranh luận này để công kích gia đình cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đặc biệt liên quan người con trai Hunter Biden. Để tạo sức ép với đối thủ bên phía đảng Dân chủ, Tổng thống Donald Trump đã đưa Tony Bobulinski, cựu cộng sự của Hunter Biden, với tư cách là khách mời của ông tới phiên tranh luận. Đây cũng là chiến thuật tương tự mà ông Donald Trump từng thực hiện với bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận năm 2016.
Đáng chú ý, Bobulinski đã tổ chức họp báo tại một khách sạn ở thành phố Nashville, bang Tennessee khoảng hai tiếng trước khi phiên tranh luận chính thức bắt đầu. Phát biểu với báo giới, ông Bobulinski cho biết có kế hoạch gặp các thành viên hai ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ trong ngày 23/10.
Ông Bobulinski cũng nói rằng việc cựu Phó Tổng thống Joe Biden tuyên bố chưa bao giờ thảo luận với con trai Hunter Biden về các giao dịch kinh doanh là sai trái. “Ngày mai, tôi sẽ gặp các thành viên hai ủy ban của Thượng viện liên quan đến vấn đề này và tôi sẽ cung cấp cho Cục Điều tra Liên bang (FBI) các thiết bị chứa bằng chứng xác thực về những gì tôi đã nói”.
Ông Bobulinski, một cựu sĩ quan tình báo Lục quân Mỹ, tuyên bố có một thời gian quản trị hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của gia đình cựu Phó Tổng thống Biden.
Giới quan sát nhận định, sự kiện tờ New York Post tiết lộ thư điện tử của ông Hunter Biden vào tuần trước và việc ông Bobulinski đồng ý ra làm chứng trước hai ủy ban của Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, có thể chính là “Bất ngờ tháng Mười” mà Tổng thống Donald Trump từng bóng gió đề cập.
Tuy nhiên, đây cũng là lý do khiến một số thành viên đảng Cộng hòa đang đặt câu hỏi về chiến lược của Tổng thống Donald Trump khi biến Hunter Biden trở thành tâm điểm chú ý của ông trong những ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử. Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy hai vấn đề hàng đầu trong tâm trí của cử tri Mỹ những ngày này là thực trạng nền kinh tế và cách xử lý đại dịch Covid-19, vốn là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden trong suốt thời gian dài.
Khác với phiên tranh luận trước, vấn đề nước ngoài đã được đề cập nhiều hơn, trong đó ông Donald Trump cáo buộc đối thủ Joe Biden nhận tiền từ Nga, Trung Quốc và Ukraine khi còn làm Phó Tổng thống. Ông Joe Biden, một mặt bảo vệ các hoạt động kinh doanh của con trai Hunter Biden ở Ukraine và Trung Quốc, mặt khác chỉ trích đối thủ “hợp pháp hóa” Triều Tiên thông qua ba cuộc gặp với nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump bảo vệ việc xây dựng mối quan hệ tốt với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cho rằng điều đó đã giúp tháo ngòi nổ cuộc chiến cận kề trên bán đảo Triều Tiên vào những tháng cuối của Chính quyền Obama - Biden, và Triều Tiên đã không tiến hành thử vũ khí hạt nhân dưới thời chính quyền của ông. Tuy vậy, chuyên gia Sue Mi Terry của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định Triều Tiên hiện tại nguy hiểm hơn thời điểm ông Donald Trump nhậm chức. Kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hiện lớn hơn, tiên tiến hơn và cũng tinh vi hơn thời điểm đó. Thực chất, ông Donald Trump đã không làm được điều gì để giải quyết hồ sơ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Tóm lại, dù vẫn còn đó nhiều nội dung mang tính chất cá nhân, phiên tranh luận cuối cùng này có thể giúp cử tri Mỹ hiểu rõ hơn phần nào các chính sách và giải pháp cả về đối nội và đối ngoại mà ông Donald Trump hoặc ông Joe Biden sẽ thực thi trong bốn năm tới nếu đắc cử. Tất nhiên, phiên tranh luận này sẽ không tác động đáng kể tới quyết định bầu cho ứng cử viên nào của lực lượng cử tri còn đang do dự. Mười hai ngày còn lại chính là “thời gian vàng” cho cả hai ứng cử viên thuyết phục cử tri trong các cuộc vận động “con thoi”.