Nhằm giải đáp những câu hỏi và tiếp nhận những ý kiến đóng góp của người dân địa phương về các nội dung, hoạt động bảo vệ môi trường, Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm (Đài Tiếng nói Việt Nam) mở Hộp thư “Giảm thiểu ô nhiễm - Bảo vệ môi trường và hành động của bạn”.
Tại chủ đề “Ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe từ bụi mịn", một bạn thính giả bày tỏ băn khoăn về cơ chế xử phạt những cá nhân, tổ chức đang cố tình gây ra bụi mịn từ hoạt động sản xuất của họ, dẫn đến góp phần làm ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo đó, thính giả này đã đặt câu hỏi:
"Thưa các chuyên gia, bụi mịn nguy hại là vậy nhưng hiện nay, tại các thành phố lớn của nước ta, người dân vẫn phải sống chung với ô nhiễm. Vậy đã có quy định xử phạt những tổ chức, cá nhân cố tình gây ra tình trạng này hay chưa?"
Về vấn đề này, ông Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN giải đáp:
"Luật Môi trường năm 2020 quy rõ trách nghiệm cho từng bộ chịu trách nhiệm để gây ô nhiễm. Ví dụ, nếu ô nhiễm do xây dựng thì trách nhiệm thuộc về Bộ Xây dựng, ô nhiễm do giao thông thì trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT. Trách nghiệm chung về quản lý sẽ thuộc về Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo quy định của pháp luật, đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể xử phạt hành chính. Các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng có thể xử phạt hình sự. Trong bộ luật hình sự cũng đã quy định về tội phạm môi trường, có thể phạt tù từ 10 năm hoặc hơn nữa nếu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Những cá nhân, tổ chức cố tình gây ô nhiễm môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử phạt nặng.
Tuy nhiên, trước tiên thì sẽ xử phạt bình thường mang tính chất cảnh báo, kết hợp với giáo dục để ngăn chặn. Xử phạt hình sự chỉ áp dụng trong những trường hợp hết sức nghiêm trọng. Điều quan trọng là phải nâng cao ý thức người dân. Mục đích của xử phạt không phải là thu tiền phạt, vì hậu quả của ô nhiễm môi trường là rất lớn, không tiền phạt nào có thể bù đắp được".
Qua câu trả lời của ông Nghiêm Vũ Khải, có thể thấy việc xử phạt các cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm vẫn còn nhiều vướng mắc.
Việc xử phạt không thể áp dụng tràn lan mà còn tùy thuộc vào hành vi gây ô nhiễm và hậu quả. Quan trọng nhất đó là ý thức người dân phải được nâng cao, mỗi người dân cần phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường từng ngày, từng giờ để góp phần bảo vệ môi trường sống chung.