Hôm 1/4, đoạn video do quân đội Philippines chia sẻ cho thấy hàng trăm chiếc thuyền trải dài xung quanh các đảo đá Gaven, Tư Nghĩa và Ba Đầu - thuộc cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Các tàu này thả neo tại chỗ, không có bất cứ hoạt động đánh bắt nào, dù trời trong xanh và thời tiết thuận lợi. Trong đó, một số neo đậu theo nhóm với số lượng lên tới 7 chiếc tàu, dàn hàng cạnh nhau.
Hoạt động của các tàu Trung Quốc tại khu vực này được ghi nhận vào hôm 30/3, thông qua hoạt động tuần tra hàng hải của quân đội Philippines trên Biển Đông. Quân đội Philippines đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của các tàu Trung Quốc ở khu vực này.
Video: Quân đội Philippines tung video tố tàu Trung Quốc dàn hàng ở Biển Đông
Trước đó, hàng trăm tàu cá Trung Quốc neo đậu gần đảo Sinh Tồn Đông từ hôm 7/3, bật đèn suốt đêm mà không đánh bắt. Bộ Ngoại giao Philippines lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ hơn 200 tàu dân quân biển khỏi bãi cạn này.
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, sự hiện diện và hoạt động của hàng trăm tàu Trung Quốc tại gần khu vực đá Ba Đầu (Philippines gọi là bãi san hô nông Whitsun), cách thị trấn Bataraza ở tỉnh Palawan, miền Tây Philippines, khoảng 175 hải lý về phía Tây đã “vi phạm trắng trợn chủ quyền và quyền tài phán của Philippines”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila biện minh do thời tiết xấu nên một số "tàu cá" Trung Quốc trú ẩn ở khu vực mà Philippines phát hiện và cho rằng đây là điều "bình thường". “Không có lực lượng dân quân biển Trung Quốc như cáo buộc. Bất kỳ suy đoán nào như vậy không giúp ích gì ngoài việc gây ra sự kích động không cần thiết”, Đại sứ quán Trung Quốc nói.
Hôm 25/3, trả lời câu hỏi của phóng viên yêu cầu bình luận về sự xuất hiện của tàu Trung Quốc tại khu vực đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thời gian gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Cần phải nhắc lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi Công ước.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực".
Trong cuộc điện đàm hôm 31/3, các cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ và Philippines đã thảo luận về mối quan ngại chung đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines mô tả sự xuất hiện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu mang tính “áp đảo và đe dọa”.