Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người đàn ông chịu chơi bỏ tiền tỷ chế máy làm bánh chưng

(VTC News) -

Đang là giám đốc kinh doanh của công ty nước ngoài với mức lương cao, anh Tưởng quyết định nghỉ việc và đầu tư gần 4 tỷ đồng để nghiên cứu tạo ra hệ thống máy làm bánh chưng.

Dàn máy 4 tỷ đồng

Anh Phạm Khắc Tưởng (sống ở quận Thủ Đức, TP.HCM) có niềm đam mê mãnh liệt với máy móc. “Tôi mê cơ khí từ nhỏ, lại được học qua một lớp về cơ khí kỹ thuật nên hễ có thời gian rảnh, tôi vẫn mày mò, tìm tòi các loại máy móc. 2 năm trước, qua vài lần gói bánh chưng cùng bạn bè, tôi thấy cách gói truyền thống vừa lâu vừa cho ra sản phẩm không đều, nhân bị lệch. Vì vậy, tôi nuôi ý định chế tạo cỗ máy có thể rút ngắn các công đoạn làm bánh mà vẫn giữ được hương vị truyền thống”, anh Tưởng kể.

Nghĩ là làm ngay, anh tận dụng mọi đồ cơ khí trong nhà và đầu tư tài chính để nghiên cứu. Công việc này được bắt đầu từ năm 2017, mục tiêu lúc đó chỉ là tạo ra máy chiết xuất tinh chất lá riềng để giảm bớt sự vất vả cho người làm bánh.

Anh Phạm Khắc Tưởng - tác giả dây chuyền làm bánh chưng tự động.

Thế nhưng sau 2 năm với nhiều lần thất bại, anh cải tạo, sáng chế ra cả hệ thống hơn 10 máy phục vụ cho việc gói bánh chưng. Mỗi máy phụ trách một công đoạn  như rửa lá, vo gạo, thái thịt heo cho tới buộc lạt. Toàn bộ các thiết bị, máy móc để làm ra dây chuyền này đều được anh nhập từ nước ngoài và cải biến cho phù hợp với việc gói bánh chưng.

Tổng giàn máy này có giá hơn 4 tỷ đồng vì tôi phải nhập của Nhật và Đức. Tôi tin rằng, việc gói bánh chưng bằng máy phù hợp với xu thế hiện nay", anh Tưởng nói.

Mỗi phút cho ra 1 cái bánh

Hoàn thiện được các cỗ máy, anh Tưởng lại tiếp tục trăn trở cách giữ trọn vẹn hương vị của chiếc bánh chưng truyền thống. Yêu cầu của anh là chiếc “bánh chưng thời 4.0” vẫn phải có đầy đủ tất cả nguyên liệu như nếp, thịt, đậu xanh, lá dong, lạt và lá riềng. Máy móc chỉ hỗ trợ làm cho các bước sản xuất diễn ra nhanh hơn. Do đó, nguyên liệu làm bánh vẫn được anh chọn lọc từ đặc sản của các tỉnh thành như nếp Điện Biên, đậu xanh Long Xuyên, tiêu Phú Quốc…Thịt lợn cũng được mua của doanh nghiệp có uy tín để đảm bảo yếu tố "sạch".

Tỷ lệ nhân được tính toán kỹ để đảm bảo trọng lượng cho từng chiếc bánh.

Lá dong, lá riềng được rửa bằng máy, sục khí ô zôn để xử lý dư lượng hóa chất còn sót lại. Thịt lợn trước khi ướp gia vị được rửa và xắt từng miếng đều đặn bằng máy.

Đậu xanh sau khi được ngâm, rửa hoàn toàn tự động, hẹn giờ cho ngấm đủ nước sẽ được đem ra vắt bằng máy ly tâm để đảm bảo thấm muối tốt hơn, bánh bảo quản được lâu hơn. Sau khi hấp chín và xay nhuyễn, đậu xanh được đi qua máy để hình thành các sợi mịn màng rồi đưa vào khuôn ép thành miếng cùng với thịt, tạo thành nhân bánh hoàn chỉnh. Máy trộn và đóng khuôn nhân cũng được anh Tưởng tính toán để đảm bảo những chiếc bánh có lượng nhân như nhau.

Gạo nếp được trộn đều với nước ép lá riềng để cho ra màu xanh đẹp mắt.

Máy làm bánh chưng có hệ thống đo áp suất để từng chiếc bánh để có tỷ lệ chuẩn xác như nhau về trọng lượng cũng như ngoại hình. Ngoài ra, tôi dùng lá riềng  để tạo màu xanh cho bánh. Lá riềng sau khi được rửa sạch bằng máy và sục khí ô zôn sẽ đem đi xay, ép lấy nước, trộn vào gạo nếp”, anh Tưởng chia sẻ.

Khi mọi nguyên liệu được chuẩn bị xong, lá dong và lạt buộc được cho vào khuôn, sau đó lần lượt gạo nếp, nhân bánh được đưa vào. Chỉ gạt cần là hệ thống tự động dập khuôn, tạo ra ra chiếc bánh theo hình định sẵn, rất chắc chắn.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được anh Tưởng đặt lên hàng đầu.

Anh Tưởng cho biết, năng suất gói bánh chưng bằng máy rất cao: “Trung bình 1 phút dây chuyền sẽ cho ra 1 chiếc bánh nặng 1,5kg. Mỗi ngày, dây chuyền bánh chưng có thể sản xuất ra 600 chiếc.Tuy nhiên hiện tại tôi chưa chú trọng đến việc thương mại hóa mà chỉ làm bánh phục vụ người thân, bạn bè trong dịp Tết". 

Mặc dù vậy, nhiều người biết về bánh chưng sản xuất bằng máy của anh Tưởng thì tò mò tìm đến nếm thử, và rất đông trong số đó quay lại đặt mua. Người nọ mách người kia, rồi mấy hệ thống siêu thị bán lẻ cũng liên hệ với anh để đặt hàng.

Một chiếc bánh chưng hoàn thiện có giá 180.000 đồng.

Có người nói bánh làm bằng máy có vị lạ hơn so với bánh làm thủ công, nhưng việc làm bánh chưng hoàn toàn xuất phát từ đam mê nên tôi không đặt nặng vấn đề thương mại. Quan trọng nhất là mình phải đảm bảo được các tiêu chí về vệ sinh thực phẩm”, anh Tưởng chia sẻ. Tác giả của dây chuyền bánh chưng cũng cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2020, anh sẽ làm khoảng 1.000 chiếc. Giá mỗi chiếc 180.000 đồng, trọng lượng khoảng 1,5 kg - 1,6 kg.

Bánh mua sớm về để ngăn mát tủ lạnh có thể giữ được 1 tháng. Khi muốn ăn chỉ việc lấy ra rồi cắt bao chân không, để vài ngày rồi hâm lên là vẫn ngon như mới ra lò. Trên mỗi chiếc bánh đều có nhãn ghi rõ cách hâm và thời gian lưu trữ bánh”, anh Tưởng hướng dẫn.

Nhật Linh

Tin mới