Việc nhiều barie được cư dân lắp ở một số ngõ thuộc phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội vào giờ cao điểm để dòng xe máy từ ngoài đường không thể vào ngõ đang gây rất nhiều tranh cãi. Người đi xe máy từ đường lớn không thể qua lối này để "né" tắc đường. Những xe vào ngõ từ lối khác để ra đường Nguyễn Trãi, Thượng Đình khi tới đây cũng đành ngậm ngùi quay lại, hành trình đi làm bị kéo dài thêm hàng chục phút.
Dựng barie chắn ngõ đối với người dân xung quanh đây là điều cực chẳng đã. Tôi từng sống trong một con ngõ sâu ở Hà Nội gần khu vực luôn xảy ra tắc đường vào giờ đi làm và giờ tan tầm nên rất hiểu những phiền toái của dòng xe cộ từ đường lớn lao vào. Không chỉ phải chịu đựng âm thanh rú ga và còi xe máy, việc đi lại cũng bị ảnh hưởng; các gia đình mặt ngõ gặp khó khăn khi dắt xe ra khỏi nhà để đi làm hay chở con cháu đến trường... Tuy nhiên, không thể coi đây là lý do để thực hiện hành vi ngăn sông cấm chợ.
Ai cũng mong được sống trong một không gian yên tĩnh, an toàn và thuận tiện, nhưng ở một đô thị lớn, phát triển nhanh như Hà Nội, đặc biệt là ở nội thành, những bất cập như ồn ào, ô nhiễm, tắc đường là không thể tránh khỏi và cả xã hội vẫn đang cùng nhau tìm cách khắc phục. Sống trong cộng đồng, không thể chỉ vì lợi ích cá nhân mà ngăn cản quyền và lợi ích chính đáng của người khác, trong đó có lợi ích về giao thông.
Trên báo chí và mạng xã hội, nhiều luật sư đã chỉ rõ, việc cá nhân hay nhóm người tự ý ngăn đường, cản trở giao thông là sai pháp luật. Ông Trần Phan Mỹ, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình, cũng thừa nhận việc người dân lắp barie để chặn xe là không đúng và chính quyền địa phương không ủng hộ; thế nhưng những rào chắn đó vẫn tồn tại.
Barie tự lập tại ngõ 126 đường Khương Đình gây tranh cãi. (Ảnh: OFFB)
Đâu chỉ có dân trong ngõ hẻm mới phải chịu đựng sự ồn ào và ùn tắc; các hộ ở mặt đường chính còn phải chịu đựng nhiều hơn, nhưng họ đâu thể vì thế mà đòi ngăn đường, không cho xe chạy! Sở dĩ dân trong ngõ coi việc lắp barie là chính đáng là bởi họ có tư tưởng "phép vua thua lệ làng", tự cho mình cái quyền tự tung tự tác trên phần đất xung quanh nơi mình cư trú. Đây là điều không nên có, không nên chấp nhận ở một đô thị hiện đại của thế kỷ 21, nhất là giữa Thủ đô.
“Phép vua” chính là pháp luật được áp dụng cho cả nước nhằm bảo đảm an ninh trật tự và quyền, lợi ích hợp pháp của mọi công dân. Xã hội văn minh cần thượng tôn pháp luật, không thể vì lợi ích của một nhóm người mà đi ngược với các quy định pháp luật và lợi ích của cả cộng đồng. Giữa Thủ đô, kiểu hành xử theo "lệ làng" nếu được dung túng, thỏa hiệp sẽ tạo thành tiền lệ xấu, kéo lùi sự phát triển và văn minh.
Chưa kể, lúc cao điểm tắc đường, việc chặn ngõ để bản thân và các gia đình xung quanh được yên tĩnh, không bị ảnh hưởng chút nào là biểu hiện của sự ích kỷ, hoàn toàn trái ngược với truyền thống chia sẻ, vị tha của người Việt. Những con ngõ có thể góp phần giúp giải tỏa phần nào áp lực giao thông, giúp nhiều người có thể đến cơ quan, trường học đúng giờ thay vì chôn chân giữa đường thêm nửa tiếng hay vài chục phút.
Tắc đường thì ai cũng khó chịu, bức bối, mỗi người chia sẻ một chút mới có thể giải tỏa nhanh. Nếu bịt hết các ngõ, chính người trong hẻm khi ra đường cũng khó mà đi nổi!
Tôi biết nhiều con ngõ ở Hà Nội được mở rộng hơn xưa nhờ một số gia đình hiến phần đất của mình. Sự đóng góp đó thật sự rất quý giá và đáng trân trọng, nhưng không nên vì vậy mà ngăn "người ngoài" đi qua, dù chỉ là trong vài giờ cao điểm. Tấm lòng rộng rãi của người Thủ đô đã được thể hiện trong rất nhiều ngày tháng khó khăn hay những tình huống thiên tai dịch bệnh; nhiều thứ quý giá còn chia, còn nhường được cho nhau cơ mà!
Hãy bỏ barie chắn xe máy vào ngõ như bỏ đi sự hạn hẹp của lòng người. Hành động này về tình hay về lý đều rất nên.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.