Trong 36h qua, Hà Nội không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới kể cả trong khu cách ly, phong toả hay cộng đồng. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.965 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong tháng 8 trở lại đây, một số ổ dịch trên địa bàn thành phố đã và đang có những diễn biến phức tạp gồm: Thanh Xuân Trung (594 ca nhiễm), Văn Miếu (120), Văn Chương (100), Minh Khai (60), chung cư A1-A4-A5 khu đô thị Đền Lừ (28), tổ 4 Việt Hưng (26), chung cư Đồng Phát (5).
Hiện Hà Nội đang điều trị hơn 450 bệnh nhân COVID-19, trong đó Bệnh viện Đức Giang đang điều trị 113 trường hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn (68), Bệnh viện Gia Lâm (62), Bệnh viện Bắc Thăng Long (48), Bệnh viện Hà Đông (21), Cơ sở cách ly, điều trị Đền Lừ III (104), Cơ sở điều trị ký túc xá Đại học Phenikaa (37).
Đến nay, gần 1 triệu người dân Thủ đô hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19. Tính riêng ngày 26/9, Hà Nội đã tiêm được 6,74 triệu mũi vaccine COVID-19, trong đó có gần 962.000 liều là mũi 2.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, lưu ý khẳng định, không có vaccine nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%. Kể cả tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19 cũng chỉ có hiệu quả bảo vệ nhất định tùy theo đáp ứng miễn dịch của từng người. Do đó, người dân cần tiếp tục thực hiện 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người và hạn chế tiếp xúc.
Trong 8 loại vaccine phòng COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại nước ta, đến nay vaccine của AstraZeneca được tiêm nhiều nhất. Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vaccine AstraZeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22, hiệu lực bảo vệ của vaccine đạt 69,2%. Sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần, hiệu lực đạt 55,1%. Sau 6-8 tuần, tỷ lệ này là 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.
"Do đó, không phải cứ tiêm vaccine là không thể mắc bệnh hay lây bệnh cho người khác. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh, người dân được tiêm vaccine sẽ giúp không chuyển biến nặng, giảm nguy cơ tử vong", ông Tuấn cho biết.