Hội thảo nhằm tăng cường truyền thông và cung cấp kiến thức chuyên môn về vai trò của hệ miễn dịch, dinh dưỡng miễn dịch và biện pháp tăng cường miễn dịch thông qua dinh dưỡng tới cán bộ y tế, góp phần bảo vệ toàn dân trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn tiếp tục.
Hội thảo có sự tham gia của các bác sĩ đầu ngành cùng cán bộ y tế khối cơ sở, đặc biệt là cán bộ y tế thuộc lĩnh vực y tế dự phòng. Ngoài những kiến thức chuyên môn y tế, hội thảo đặc biệt còn mang đến cho các bà mẹ trẻ nhiều kiến thức cập nhật và hữu ích nhất về ứng dụng dinh dưỡng miễn dịch trong việc chăm sóc sức khỏe của trẻ nhỏ hậu COVID-19, giúp trẻ có nền tảng miễn dịch khỏe, phát triển toàn diện từ bên trong.
Hội thảo với sự tham dự của gần 1000 cán bộ y tế và người dân.
Tại hội thảo, các báo cáo cho biết, hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ thay đổi và phát triển theo từng giai đoạn khác nhau. Trước 6 tháng, trẻ nhận kháng thể từ mẹ truyền sang trong giai đoạn bào thai và lúc sinh nên có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Qua 6 tháng, lượng kháng thể dự trữ không còn, trong khi cơ thể chưa tự sinh ra được đủ kháng thể nên hệ miễn dịch của trẻ rất yếu và luôn có nguy cơ nhiễm bệnh, giai đoạn này kéo dài tới 36 tháng hoặc hơn nữa. Các chuyên gia y tế thường nhắc đến giai đoạn 6-36 tháng tuổi là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”.
Như vậy, ngoài việc phải đối diện với các nguy cơ gây bệnh thông thường như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, vi khuẩn kháng kháng sinh… với tình hình dịch bệnh, trẻ còn phải đối diện với nguy cơ mắc COVID-19 và hậu COVID-19. Đặc biệt, trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, khi gặp các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm mốc… trẻ rất dễ mắc bệnh do miễn dịch chưa hoàn thiện. Do vậy, việc bổ sung dinh dưỡng miễn dịch để tăng cường kháng thể, nâng cao sức khỏe trong giai đoạn khoảng trống này là rất quan trọng.