Mỗi khi mùa mưa bão đến rất nhiều loài chim hoang dã chọn vùng phá Tam Giang - Cầu Hai (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) chọn làm nơi trú ngụ. Dân gian vẫn có câu “đất lành thì chim đậu”, có lẽ đây là vùng đất “lành” nên mới có nhiều loài chim bay về.
Thế nhưng, vùng đất kể trên đang có nguy cơ biến thành vùng “đất dữ” khi những nhiều người dân địa phương đang biến những con chìm bay về trú ngụ thành đối tượng săn bắt. Họ coi “bắt chim trời” như là một cái nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập.
Video: Thương thân phận những chú cò sập bẫy kẻ đi "tận diệt chim trời"
Những ngày đầu tháng 11/2016 chúng tôi đã tìm về vùng phá Tam Giang – Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên – Huế) để được mục sở thị cảnh người dân địa phương bắt cò. Ngang qua một cánh đồng, phía đằng xa chúng tôi phát hiện hàng chục cá thể cò đang đứng dưới ruộng.
Nhìn từ xa, ai cũng nghĩ đó là đàn cò đang kiếm ăn ngoài đồng ruộng. Thế nhưng, khi đến gần chúng tôi mới tá hỏa phát hiện đó là những con cò đang dính vào những chiếc bẫy do ai đó đặt dưới ruộng từ trước.
Những con cò đang cất tiếng kêu ai oán và tuyệt vọng và cố vung đôi cách thặt mạnh để thoát khỏi những cái bẫy nhưng không được.
Quan sát của chúng tôi, những chiếc bẫy được bài trí và “ngụy trang” ở nhiều nơi trên những cánh đồng mà cò hay xuống kiếm ăn. Nhìn bằng mắt thường chiếc bẫy rất đơn giản nhưng hàng ngày có hàng trăm con cò và các loại chim trời khác sập bẫy.
Người dân địa phương cho hay, thời điểm sau lũ cũng là lúc các loài chim hoang dã thường bay về vùng đầm phá huyện Phú Lộc để kiếm ăn và cư ngụ... Đây là khoảng thời gian cao điểm mà một số người tiến hành làm bẫy bắt cò...
Mới chừng 14 - 15 tuổi nhưng một cậu bé sống ở khu phá Tam Giang – Cầu Hai (huyện Phú Lộc) tỏ ra là một người sảnh sỏi và có nghề trong việc bẫy chim trời. Cậu bé cho biết, có rất nhiều cách để bẫy cò như bẫy bằng chim mồi, bằng lưới... nhưng cách hiệu quả nhất là bẫy cò bằng keo dính.
“Bỏ mồi xong bỏ nhựa xong rồi ra đặt ngoài bàn rứa thôi (những miếng gõ nhỏ cắm dưới mặt ruộng – PV). Khi cò dính bẫy lông cò sẽ dính vào nhựa và không thể bay được”, cậu bé nêu trên nói.
Cũng theo cậu bé này, với cách bẫy nêu trên hàng ngày có hàng trăm con cò dính bẫy và biến thành hàng hóa để bán vào các nhà hàng làm đồ nhậu cho các thực khách sành ăn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có khá nhiều người dân ở đây tham gia bắt cò và xem nó như một nghề tay trái... Rất nhiều loài cò, sếu, triết và một số loài chim lạ... đã bị bắt nhốt trong các chuồng trại... Nhưng rất khó để tiếp cận những nơi nuôi, nhốt này.
Những loài chim, cò dính bẫy được bán cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tùy từng chủng loại, kích thước mà các loài chim trời dính bẫy được đính giá khoảng từ vài chục nghìn đến 200.000 đồng/con.
Trước việc săn bắt chim trời theo lối tận diệt như tại khu đấm phá Tam Giang – Cầu Hai (huyện Phú Lộc) thì nhiều người dân tỏ ra lo lắng trước viễn cảnh các loài chim trời sẽ chẳng còn giám bay về nữa.