Theo thông tin chia sẻ từ anh Lừ Văn Tuyên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX thủy sản Sông Đà. Liên hiệp Hợp tác xã Thủy sản Sông Đà thành lập tháng 9 năm 2017, với 8 HTX thành viên, tổng số lao động 113 người; hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt, sơ chế thủy sản, cây ăn quả và du lịch; vốn điều lệ 19,794 tỷ đồng.
Hiện nay, Liên hiệp HTX có diện tích nuôi trồng là 65,5 ha; Trong đó diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP là 8,7 ha. Với tổng số lồng cá là 1.810 lồng, trong đó có 252 lồng đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, năm 2018, doanh thu của mỗi HTX thành viên ước đạt 24 tỷ đồng/thành viên; lợi nhuận ước đạt 4 tỷ đồng.
Sản phẩm cho thu nhập cao nhất là cá nuôi lồng (cá Trắm cỏ, Lăng, Nheo, Chép...) khoảng 450 tấn/năm. Kế hoạch hoạt động SXKD đến hết năm 2018: Dự kiến thả 900.000 con giống cá loại (cá Trắm cỏ, Lăng, Nheo, Chép...).
Thị trường chính hiện nay của Liên hiệp HTX là các nhà hàng, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh, dự kiến đến năm 2020 sản phẩm thủy sản của Liên hiệp HTX sẽ xuất khẩu sang các nước.
(Ảnh minh họa)
Tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển
Sơn La là tỉnh miền núi, nhưng có nhiều sông, đặc biệt có thủy điện Sơn La và nhiều thủy điện nhỏ khác với diện tích mặt nước lòng các hồ chứa khá lớn, tạo điều kiện cho hoạt động nuôi trồng thủy sản và đang trở thành một nghề khá hấp dẫn mà nhiều hộ ở tỉnh Sơn La đầu tư, tham gia HTX thủy sản.
Sản phẩm thủy sản rất đa dạng, nhưng phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm mới tiêu thụ được ổn định trên thị trường.
Hoạt động tiêu thụ sản phẩm thủy sản nếu không có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ sẽ rất khó khăn, do đó Liên hiệp HTX thủy sản Sông Đà ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu chung đó của các HTX thành viên.
Liên hiệp chủ yếu cung cấp các dịch vụ cho các HTX thành viên về giống có chất lượng, kỹ thuật đồng đều, thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Còn các khâu khác, tự các HTX thành viên thống nhất với các hộ thành viên của mình tổ chức thực hiện.
Do đó, các HTX thành viên và các hộ thành viên của các HTX thành viên yên tâm tổ chức nuôi cá theo kế hoạch của Liên hiệp HTX. Các HTX thành viên đều góp vốn vào Liên hiệp, tham gia tích cực các hoạt động của Liên hiệp, sử dụng các dịch vụ thiết yếu do Liên hiệp cung cấp, HTX chỉ đạo các hộ thành viên thực hiện tốt kế hoạch chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm đã giao kết hợp đồng với HTX và với Liên hiệp HTX.
Do vậy, HTX và Liên hiệp HTX luôn có đủ sản lượng hàng hóa chế biến và cung ứng cho các đối tác và thị trường tiêu thụ khá ổn định.
(Ảnh minh họa)
Khó khăn, thách thức
Đội ngũ cán bộ chủ chốt của Liên hiệp và của các HTX thành viên đã số chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh hàng thủy sản, nhất là khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản của Liên hiệp và của các HTX thành viên.
Cơ sở hạ tầng cho Liên hiệp hoạt động hiệu quả (nhà xưởng sơ chế, kho lạnh, máy móc trang thiết bị hiện đại để vận chuyển cá sống, cá đông lạnh đi tiêu thụ…) cần rất nhiều nguồn lực (vốn, đất đai) hiện Liên hiệp đang thiếu nhiều.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm của Liên hiệp hiện chủ yếu là nội địa, chưa vươn xa được tới thị trường các nước trong khu vực và quốc tế.
Mô hình Liên hiệp HTX nói chung, Liên hiệp HTX thủy sản nói riêng đã phầm là mới thành lập, các HTX thành viên tham gia liên hiệp cũng đa phần là mới thành lập, năng lực nội tại còn hạn chế, các hộ thành viên của các HTX thành viên cũng chủ yếu là nông dân, người dân tộc thiểu số còn khó khăn về kinh tế, ít vốn… rất cần sự hỗ trợ ban đầu để phát triển.
(Ảnh minh họa)
Anh Lừ Văn Tuyên chia sẻ thêm, để tạo thương hiệu cá lồng sông Đà tại Quỳnh Nhai, các hợp tác xã và Liên hiệp HTX đang xây dựng chuỗi sản xuất sản phẩm sạch. Quy trình nuôi là lấy thức ăn tại địa phương như dùng cá nhỏ để nuôi cá lớn và những sản phẩm từ ngô, sắn, cỏ voi để tạo thức ăn phù hợp với điều kiện từng loại cá.
Đồng thời, để tạo thành chuỗi, trong quá trình sản xuất một số đơn vị đã nuôi theo quy trình VietGAP nhằm hướng tới sản phẩm sạch, cung ứng ra thị trường. Từ năm 2018, các hợp tác xã sẽ cố gắng tạo chuỗi từ con giống đầu vào, nuôi theo quy trình thực phẩm sạch, lấy chất lượng đặt lên hàng đầu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình liên hiệp HTX thủy sản phát triển bền vững, anh Lừ Văn Tuyên cũng mong muốn nhận được sự quan tâm triển khai các dự án phát triển nông nghiệp cho các HTX, Liên hiệp HTX như: Ứng dụng công nghệ cao, tiếp tục mở rộng xây dựng đạt tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, tham gia xúc tiến thương mại mở rộng thị trường.