Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 3/2, giá vàng thế giới đã rơi thẳng đứng từ gần 1.960 USD/ounce xuống 1.915,6 USD/ounce. Giá của mỗi ounce vàng bay hơi hơn 43 USD trong chưa đầy 24 tiếng.
Theo giới quan sát, giá vàng lao dốc mạnh do các nhà đầu tư ồ ạt chốt lời sau khi kim loại quý vọt lên mức kỷ lục 9 tháng. Hôm 2/2, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất đẩy giá vàng tăng phi mã.
Giá vàng cũng chịu sức ép khi đồng bạc xanh phục hồi. Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - đang ổn định quanh ngưỡng 102 điểm sau khi rớt xuống mức thấp nhất 9 tháng 100,82 điểm.
Giá vàng rớt mạnh từ mức cao nhất 9 tháng. Ảnh: Trading Economics.
Vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất tăng cao khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên. Năm ngoái, các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed đã đè nặng lên thị trường vàng. Giá kim loại quý giảm mạnh từ mức cao kỷ lục hơn 2.000 USD/ounce hồi tháng 3, sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Vàng cũng thường biến động ngược chiều USD. Các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed đã đẩy đồng bạc xanh lên mức mạnh nhất 20 năm.
Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023, Fed quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
USD bật tăng trong ngày 3/2. Ảnh: Trading Economics.
Trước đó, trong năm 2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi giảm xuống 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12.
Nói với Zing sau cuộc họp chính sách của Fed, ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Anh - khẳng định vàng "được hỗ trợ bởi Fed và những gì Chủ tịch Jerome Powell tuyên bố". "Kim loại quý nhanh chóng bứt phá khỏi vùng đã mắc kẹt trong thời gian qua, tiến sát ngưỡng 1.960 USD/ounce", ông nhận định.
Tuy nhiên, ông cho rằng động lực đằng sau đà tăng của giá vàng vẫn còn yếu. Động lực yếu khiến giá vàng nhanh chóng quay đầu giảm mạnh vì các nhà đầu tư chốt lời. "Vàng sẽ gặp lực cản mạnh khi tiến tới ngưỡng 2.000 USD/ounce", vị chuyên gia cảnh báo.
Đến nay, các thị trường đang đánh giá rằng Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm thêm một lần nữa, rồi bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng khẳng định lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến có thể tác động tới việc hoạch định chính sách.
Nhưng theo ông Edward Moya - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ), Fed vẫn lo ngại rằng lạm phát sẽ tăng tốc trở lại.
Sẽ có thêm 2 báo cáo lạm phát trước cuộc họp ngày 22/3. Và nếu xu hướng thiểu phát đi vào ngõ cụt, kế hoạch đưa lãi suất lên 5-5,25% có thể được giữ nguyên
Chuyên gia tài chính Edward Moya
"Sẽ có thêm 2 báo cáo lạm phát trước cuộc họp ngày 22/3. Và nếu xu hướng thiểu phát đi vào ngõ cụt, kế hoạch đưa lãi suất lên 5-5,25% có thể được giữ nguyên", ông nhận định.
"Chúng tôi đã tăng lãi suất 4,5 điểm phần trăm và đang thảo luận về một vài đợt tăng lãi suất nữa, cho tới khi thắt chặt chính sách ở mức thích hợp. Vì sao chúng tôi nghĩ rằng điều đó cần thiết? Bởi lạm phát vẫn còn rất nóng", ông Powell nói trong họp báo sau cuộc họp.
Chủ tịch Fed cho biết lạm phát đã hạ nhiệt ở một số khu vực, nhưng vẫn còn quá sớm để Fed ăn mừng chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.
Trong khi đó, 2 ngân hàng trung ương lớn nhất châu Âu vẫn đang tăng lãi suất mạnh tay. Cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE) đều nâng lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản.
Lãi suất điều hành của cả 2 đều đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008.