Công trình với cụm 4 tổ máy có công suất 1.600kW/tổ, được hoàn thành vào ngày 06/02/2024. Tổng mức đầu tư toàn bộ công trình là 74 tỷ đồng.
Cắt băng khánh thành công trình “Bổ sung nguồn điện diesel Côn Đảo năm 2023.”
Triển khai từ sau ngày 06/9/2023, thời gian triển khai hợp đồng là 175 ngày (dự kiến hoàn thành vào ngày 06/03/2024), nhưng nhờ sự nỗ lực quyết tâm của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu (PC BR-VT), Liên Danh Tâm Thành Phát; Công ty TNHH Xây dựng Thành Lợi, Công ty Tư vấn điện miền Nam, Công ty Dịch vụ Điện lực miền Nam và Công ty Thí nghiệm điện miền Nam là các nhà thầu thi công lắp đặt, tư vấn giám sát và thí nghiệm.
Giây phút phát điện hòa lưới 4 tổ máy 1.600 kW.
Sau khi 4 tổ máy phát điện được nghiệm thu đóng điện hoàn thành công trình và hòa vào hệ thống các tổ máy phát hiện hữu (tổng công suất 11.820 kW) sẽ góp phần tăng cường nguồn điện vận hành và dự phòng để phát triển kinh tế - xã hội, cấp điện cho an sinh xã hội và quốc phòng tại huyện Côn đảo, đến khi có dự án điện nối lưới đã được bố trí vốn và EVN đang triển khai.
Việc hoàn thành trước tiến độ 30 ngày, công trình đã bổ sung nguồn phát điện 6.400kW, nâng công suất nguồn phát điện diesel của ngành Điện tại huyện Côn Đảo lên 15.720 kW, công suất khả dụng khoảng 13.000 kW.
Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Lê Văn Phong phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành công trình, ông Lê Văn Phong - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo chúc mừng ngành Điện đã nỗ lực thi đua hoàn thành công trình trước tiến độ một tháng, giảm bớt khó khăn trong việc cung cấp điện trên đảo.
“Công trình này đưa vào vận hành sẽ góp phần tăng cường nguồn điện vận hành và dự phòng để phát triển kinh tế - xã hội, cấp điện cho an sinh xã hội và quốc phòng tại huyện Côn Đảo, cho đến khi hoàn thành dự án cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia ra đảo”, Bí thư huyện Côn Đảo chia sẽ.
Ông Nguyễn Phước Đức – Tổng giám đốc EVNSPC cho biết, dù Côn Đảo hiện đã được bổ sung nguồn dự phòng, đáp ứng cơ bản yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trên đảo nhưng ngành Điện vẫn mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục đồng hành, kêu gọi tất cả các khách hàng, doanh nghiệp có nhiều giải pháp tăng cường sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt trong mùa nắng nóng sắp đến.
Riêng phát triển phụ tải tại Côn Đảo trong năm 2024 và những năm tiếp theo, ông Đức cũng đề nghị chính quyền địa phương cần xem xét kỹ lưỡng, hạn chế phát triển phụ tải ồ ạt cho đến khi dự án đầu tư cấp điện từ lưới điện Quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển vận hành vì ngành Điện đang bù lỗ bình quân mỗi năm là 150 tỷ đồng do chi phí chạy máy phát điện Diesel.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Giám đốc PC BR-VT cho biết, PC BR-VT tiếp nhận lưới điện huyện Côn Đảo từ năm 2014 với sản lượng thương phẩm lúc đó là 8,82 triệu kWh/năm. Đến năm 2022 sản lượng điện thương phẩm đã đạt 32,44 triệu kWh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014-2022 là 14,71%. Năm 2023, sản lượng thương phẩm của huyện Côn Đảo đạt 36,32 triệu kWh, tăng 11,98% so với năm 2022.
Kiểm tra vận hành các tổ máy phát Diesel tại nhà máy điện An Hội.
Sau khi ngành Điện nhận bàn giao lưới điện tại huyện Côn Đảo từ UBND tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu vào cuối năm 2014, ngành Điện đã áp dụng giá bán điện cho huyện đảo theo giá đất liền nên giá bình quân hiện nay đã giảm khoảng 2.200 đồng/kWh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện đảo, đồng thời kéo theo nhu cầu sử dụng điện giai đoạn này cũng tăng rất cao trung bình từ 17-20%/ năm.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân, khách hàng trên đảo, từ năm 2015 đến nay ngành Điện đã đầu tư bổ sung xây dựng thêm 5 tổ máy phát Diesel, mỗi tổ máy 1.500 kW đồng; thời cũng bù lỗ bình quân 150 tỷ đồng/năm do chi phí chạy máy phát điện Diesel.