Nói đến mảnh đất Hà Giang là nói đến những cung đường quanh co lưng chừng trời, những bản làng 4 mùa chìm trong mây, những cảnh quan kỳ vĩ: hẻm Tu Sản, đường Hạnh Phúc...
"Đặc sản" lúa chín đẹp như tranh vẽ ở Hà Giang.
Chính vì thế, nơi đây cũng trở thành giấc mơ của những “xế” muốn thử thách chính bản thân mình khi vượt qua địa hình đan xen giữa đường đèo hiểm trở, đồi núi trùng điệp và các tầng thung lũng rộng mênh mông.
Khí hậu của Hà Giang cũng tương đối khắc nghiệt, mùa đông, có những đêm băng giá lạnh cắt da, mùa hè, có những ngày đổ lửa khô cháy. Nhưng tất cả những thử thách ấy đều không làm chùn bước du khách.
Hàng năm, cứ đến tháng 9, 10, 11, người người nhà nhà vẫn rộn ràng đi Hà Giang để ngắm hoa tam giác mạch, hoa mơ, hoa mận, hoa cải; để chiêm ngưỡng cao nguyên đá Đồng Văn, dinh thự họ Vương; để chinh phục con đường Hạnh Phúc; để check in hẻm núi Tu Sản...
Cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu từ Hà Nội vào một sáng sớm mùa thu giữa tháng 9, theo quốc lộ 4C, chuyến hành trình khám phá miền địa đầu Tổ quốc của du khách sẽ bắt đầu với con đèo Bắc Sum. Mặc dù đường đi khá khúc khuỷu, song cảnh vật đèo Bắc Sum rất lãng mạn bởi dọc hai bên đường là những bụi dã quỳ nở vàng rực rỡ.
Đèo Bắc Sum.
Hết con đèo Bắc Sum, du khách sẽ đến với thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, nơi có hai ngọn Núi Đôi Quản Bạ tròn trịa, cân đối như đôi gò bồng đảo của cô thiếu nữ.
Qua Quản Bạ khoảng 40km, bạn sẽ tới với rừng thông Yên Minh. Đâu đó người ta vẫn gọi rừng thông Yên Minh là một Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam. Ngay khi chạm ngõ rừng thông, bạn sẽ có cảm giác như đi lạc vào một chốn hoang sơ mà tĩnh lặng, nơi có bầu không khí vô cùng thoáng đãng khiến ai đó không muốn về.
Rừng thông Yên Minh
Qua rừng thông Yên Minh, bạn sẽ tới thị trấn Phó Bảng. Gọi là thị trấn, nhưng ở đây lại là “mái nhà nhỏ” của khoảng 500 người Hoa và dân tộc H’Mông sinh sống. Tại đây, bạn sẽ được ngắm nhìn những ngôi nhà trình tường cổ kính của người Mông nằm yên bình giữa những thửa ruộng ngập tràn hoa tam giác mạch. Ngay cạnh đường quốc lộ là thung lũng hoa hồng và một cánh đồng tam giác mạch lớn – điểm check in yêu thích của nhiều du khách đi tour du lịch Hà Giang.
Từ Phó Bảng, chúng tôi ghé qua thung lũng Sủng Là xinh đẹp. Được biết đến từ sau khi được chọn làm bối cảnh của bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao”, thung lũng Sủng Là trở thành điểm nhất định phải đến khi đi du lịch Hà Giang.
Thung lũng Sủng Là xinh đẹp.
Được mệnh danh là “bông hoa giữa cao nguyên đá”, Sủng Là cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp yên bình, mộc mạc của những nếp nhà trình tường rêu phong hay những ruộng ngô, ruộng tam giác mạch xanh mướt, trù phú.
Nhưng không chỉ có cảnh đẹp đắm say lòng người, Sủng Là còn lưu giữ rất nhiều phong tục, văn hóa, nếp sống truyền thống của nhiều dân tộc như Lô Lô, Mông, Dao...
Nơi đây hút hồn bao lữ khách bởi không chỉ có vẻ đẹp mướt mát của núi rừng, sự xanh ngắt nơi cánh đồng lúa mà còn cả những ngôi nhà nhỏ e ấp bên đường. Sủng Là là một trong số ít nơi vẫn còn giữ nguyên vẹn các bản sắc của người dân tộc, hình ảnh các cô gái đeo gùi lên núi hái rau hay thong thả ngồi dệt vải.
Dinh thự vua Mèo.
Một điểm khác không thể bỏ qua khi đến Hà Giang là dinh thự vua Mèo Vương Chí Sình. Dinh được xây dựng cách đây gần 100 năm. Để xây nên được công trình độc đáo như thế này, chủ của ngôi dinh thự phải tốn đến 15 vạn đồng bạc, tương đương với 150 tỷ bây giờ. Đến nay, dinh họ Vương vẫn giữ được vẻ kỳ bí vốn có, ẩn nấp giữa một thung lũng heo hút rất đáng để ghé thăm.
Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là Phố cổ Đồng Văn – một phố núi cổ kính nằm giữa bốn bề đá xám. Khu phố cổ chỉ có khoảng 40 ngôi nhà trình tường lợp ngói âm dương và ba dãy chợ được xây bằng đá từ năm 1920, tĩnh lặng, trầm mặc.
Phố Cổ Đồng Văn.
Đến phố cổ Đồng Văn vào những ngày rằm, du khách sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội của phố núi, khi nhà nhà đều treo đèn lồng đỏ; trưng bày những sản vật địa phương như: mật ong bạc hà, vải thổ cẩm rực rỡ sắc màu...; trình diễn cách chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc như thắng cố, bánh dày, bánh tam giác mạch... Phố cổ Đồng Văn là nơi bạn nên dừng chân để thưởng thức ly cà phê trong gian nhà cổ mát rượi hoặc nghỉ qua đêm trong những homestay đầy phong cách.
Giữa trập trùng đá xám tai mèo, du khách sẽ đến với Cao nguyên đá Đồng Văn trải trên 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Với độ cao 1.000 m so với mực nước biển, địa hình hầu như chỉ thấy núi đá. Không chỉ có giá trị địa mạo, địa chất, cao nguyên đá Đồng Văn còn có giá trị cảnh quan rất lớn với cảnh tượng núi non hùng vĩ, choáng ngợp và giá trị văn hóa của các tộc người đang sinh sống như Mông, Dao, Lô Lô, Pu Péo.
Từ Đồng Văn, đi đến huyện Mèo Vạc khoảng 20km, du khách tour Hà Giang từ Hà Nội sẽ qua con đường Hạnh Phúc – nơi vẫn được biết đến với một trong “tứ đại đỉnh đèo” Việt Nam: đèo Mã Pì Lèng.
Thật không hổ danh là một trong 4 đại đỉnh đèo của Việt Nam, đèo Mã Pì Lèng nổi tiếng là cung đèo hiểm trở kéo dài đến 20km. Mã Pì Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc, nối liền 2 địa danh là Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Mã Pì
Đèo Mã Pì Lèng
Lèng không chỉ là cung đèo đẹp nhất ở Hà Giang mà còn là nơi mà các phượt thủ có đam mê chinh phục nhất.
Hà Giang là tỉnh biên giới, nằm ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc. Đến với Hà Giang, du khách đừng quên tới thăm Cột Cờ Lũng Cú – điểm cực Bắc thiêng liêng của Việt Nam. Có độ cao 1.470m so với mực nước biển, để đến với cột cờ Lũng Cú, du khách sẽ phải vượt qua những con đèo cao chót vót, quanh co, những khó khăn này càng làm cho cột cờ Lũng Cú trở thành điểm đến đáng mơ ước của rất nhiều người.