Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đánh người, khách đi máy bay 'quậy' tới bến

Việc một hành khách nữ mới đây rượt đuổi, hành hung cả nhân viên hàng không chứng tỏ thực tế đáng buồn khi khách đi máy bay “xách tay” cả thái độ côn đồ.

Việc một hành khách nữ mới đây rượt đuổi, hành hung cả nhân viên hàng không chứng tỏ thực tế đáng buồn khi khách đi máy bay “xách tay” cả thái độ côn đồ, hành vi kiểu chợ búa.


Rượt đuổi, hành hung, xé áo nhân viên



Hành khách nữ tên Trương Thị Thiên Tr. (sinh năm 1980), trong lúc di chuyển đến cửa ra tàu bay để chuẩn bị thực hiện chuyến bay VJ8687 chặng Hà Nội - TP.HCM ngày 29/9, đã hành hung cả nhân viên hàng không.



Sự việc xảy ra tại sảnh E, sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Sau khi làm xong thủ tục, tại cửa ra tàu bay, do mang theo hành lý quá to, cồng kềnh và vượt quá số lượng quy định, cũng không đồng ý ký gửi hành lý nên nhân viên hàng không đã thông báo bà T. không được lên tàu bay. Hãng hàng không VietJet đã từ chối vận chuyển hành khách này.


 

Ngay lập tức, vị khách nữ 34 tuổi đã rượt đuổi nhân viên hàng không suốt từ cửa ra tàu bay đến khu vực soi chiếu an ninh. Không dừng lại ở đó, T. còn hành hung, giật, kéo và xé rách áo nam nhân viên hàng không.



Vì thế, an ninh sân bay buộc phải can thiệp, áp giải hành khách T. bàn giao cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc xử lý. Ngay sau đó, Cảng vụ đã quyết định xử phạt hành khách Trương Thị Thiên T. số tiền 7,5 triệu đồng, đồng thời báo cáo Cục Hàng không xem xét cấm bay.



Đại diện một hãng hàng không cho biết, khi làm thủ tục check-in, tình trạng hành khách giấu hành lý cồng kềnh, quá trọng lượng quy định diễn ra tương đối phổ biến. Thường thì khi đi một nhóm người, chỉ một khách vào làm thủ tục, số còn lại đứng ở ngoài trông đồ để xách lên máy bay, không chịu ký gửi bất chấp cân nặng vượt quy định, hành lý to và cồng kềnh. Chính vì vậy, nếu không xử lý nghiêm túc sẽ dẫn tới tình trạng thiết chỗ để hành lý xách tay cho các hành khách khác.



Thái độ côn đồ, cư xử kiểu chợ búa của hành khách khi đi máy bay không phải là chuyện hiếm. Uống bia rượu, không làm chủ được hành vi của mình, hành khách Phạm Văn T. đã chửi bới, lăng mạ nhân viên của Vietnam Airlines trên chuyến bay VN172 từ Đà Nẵng đi Hà Nội ngày 23/9. Một khách khác còn gây rối với nhân viên an ninh tại cửa ra tàu bay chuyến VN1560 từ Cam Ranh về Nội Bài. Tất nhiên, khách bị lập biên bản và từ chối bay, song, chuyến bay chậm trễ cả tiếng đồng hồ khiến hàng trăm hành khách khác bị ảnh hưởng.



Trên chuyến bay VJ8684 từ TP. HCM đi Hà Nội ngày 30/8 của VietJet, hành khách Nguyễn Văn Thục còn bị khống chế vì gây “loạn”, la hét, kêu gào trên máy bay, làm phiền hành khách khác. Khách này còn còn có hành vi xô đẩy tiếp viên, đe dọa an toàn trên chuyến bay.



Hay, chỉ vì sử dụng điện thoại trên máy bay, một hành khách nữ đã cố tình không chấp hành xử phạt hành chính đã bị cấm bay 4 tháng.



Hiện nay, các hãng hàng không thường xuyên gặp phải tình trạng hành khách gây rối tại sân bay, trên tàu bay, không chịu chấp hành quy định an toàn, an ninh. Máy bay bị chậm, hủy chuyến, khách không ngượng mồm la ó, chửi rủa, dọa đánh. Ra sân bay trễ, không được check-in, đánh cả nhân viên... Có nhiều trường hợp chuyến bay bị chậm cả tiếng đồng hồ do xử lý sự cố liên quan tới hành khách, ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay sau.



Cấm bay, khách có hết “hồn nhiên”?



Dọa và trêu đùa có bom, có vũ khí trong hành lý, trên máy bay; dọa bắn hạ máy bay bằng tên lửa; mở cửa thoát hiểm để xuống máy bay, hít khí trời, ăn cắp... Cục Hàng không Việt Nam thống kê mỗi năm có đến hàng chục trường trường hợp hành khách bị xử lý vì phạm những lỗi trên do không làm chủ được hành vi, lời nói mà bỗng dưng phát ngôn bừa bãi, hoặc do thiếu hiểu biết về quy định an toàn bay.


Nâng cao văn hóa, hiểu biết của người đi máy bay cần sự nỗ lực của cả hãng hàng không, cơ quan quản lý và hành khách (ảnh minh họa) 

Cụ thể, theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2014, cả nước xảy ra 145 vụ việc vi phạm an ninh hàng không, tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2013 (95,9%). Trong đó, hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vật phẩm nguy hiểm sai quy định là 62 vụ; hành khách sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay tăng 35 vụ (583%).



Ngoài bị xử phạt hành chính, bị đưa vào danh sách đề phòng, thậm chí cấm bay nhưng xem ra tình trạng này giảm chưa đáng kể.



Một trong những biện pháp được cơ quan quản lý gần đây sử dụng nhiều là tăng cường kiểm tra, giám sát an ninh và kiểm tra trực quan bắt buộc có thời hạn với hành khách từng gây rối. Biện pháp cấm bay cũng được cơ quan quản lý áp dụng nhiều hơn. Nhưng, với tần suất đi máy bay của người Việt Nam, thì các biện pháp đó liệu đã đủ răn đe?



Làm thế nào để nâng cao văn hóa và hiểu biết cho người đi máy bay vẫn là chuyện thời sự. Bởi, đó là biểu hiện của một trong rất nhiều thói xấu của người Việt. Khi nước ta mở cửa hội nhập, những hành vi đó càng khiến người Việt trở nên xấu xí trong mắt người nước ngoài. Chẳng hạn, về chuyện chậm, hủy chuyến bay, nhiều hãng hàng không nước ngoài còn có tỷ lệ cao hơn nhiều so với hàng không Việt Nam, nhưng hành khách phản ứng rất văn minh. Họ có thể tản ra đọc sách, nghỉ ngơi, đi mua sắm trong sân bay, không một lời to tiếng... trong khi ở Việt Nam, nhẹ là khách phàn nàn, cau có, nặng hơn thì chửi bới, cãi cự, la lối, thậm chí đánh chửi cả nhân viên hàng không.


Theo Vietnamnet

Nguồn:

Tin mới