Ngành y tế thể hiện được năng lực và ý chí vượt khó để góp công lớn vào nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19 ở nước ta. Tuy nhiên, khi thời kỳ gian khổ trôi qua, cán bộ nhân viên ngành y lại đang đối mặt với hoàn cảnh ngặt nghèo. Vấn đề này được Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) trình bày trong phiên thảo luận ngày 1/6 của kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV.
"Trận chung kết bóng đá SEA Games 31 có 4 vạn người đi xem không cần đeo khẩu trang. Ngay trong hội trường này không nhiều người đeo khẩu trang. Tôi nghĩ các đại biểu cùng suy nghĩ với tôi rằng hiện nay dịch COVID-19 đã đi sang giai đoạn thoái trào", ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nêu dẫn chứng để mở đầu phần tham luận.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu
Thống kê chỉ ra rằng dịch COVID-19 ở Việt Nam không còn ở mức độ như trước. Các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của các tỉnh phía Bắc chỉ còn lại số lượng bệnh nhân rất ít. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở Việt Nam hiện nay gần như bằng không.
"Đã đến lúc trở lại bình thường cũ để hướng đến 2 mục tiêu. Thứ nhất là phục vụ lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Thứ hai là tránh quá tải hệ thống y tế, các bệnh viện đủ sức điều trị bệnh lý thông thường và COVID-19", ông Nguyễn Lân Hiếu phát biểu.
Dù vậy, vị đại biểu này cũng nhấn mạnh rằng việc trở lại trạng thái bình thường không có nghĩa là xem nhẹ mức độ nguy hiểm của đại dịch COVID-19. Các biện pháp như đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay sát khuẩn thường xuyên vẫn được khuyến cáo thực hiện.
Khác biệt nằm ở mức độ thực hiện các biện pháp chống dịch, ví dụ như cách ly người bệnh không cực đoan như trước và ai xét nghiệm nhanh âm tính được trở lại đi làm bình thường. Người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc bệnh nhẹ không cần đến bệnh viện nhưng vẫn nên cách ly với các đối tượng có nguy cơ cao như người già, trẻ em và phụ nữ có thai.
Vượt qua đại dịch COVID-19, ngành y tế lại đối mặt với thách thức lớn trong việc phục hồi. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng ngành y tế là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19. Bên cạnh những khó khăn vốn có như thiếu nhân lực, chất lượng cơ sở vật chất, thuốc men..., cán bộ nhân viên ngành y lại chịu thêm sức ép về tinh thần vì những biến cố trong thời gian gần đây.
"Những khó khăn chúng tôi đang gặp phải không chỉ về vật chất mà bây giờ chủ yếu là tinh thần. Sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng là điều nhân viên y tế cần nhất lúc này", Giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
"Đại dịch COVID-19 chứng minh khả năng vượt khó của ngành y tế Việt Nam. Tôi tự hào khi trực tiếp chứng kiến vị chủ tịch đại học y khoa Stanford chia sẻ với Thủ tướng về sự khâm phục hình mẫu chống dịch của Việt Nam, với nguồn lực hạn chế nhưng tỉ lệ tử vong chúng ta thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia giàu có. Công đầu chắc chắn là những cán bộ nhân viên y tế nhưng chính họ trong thời bình vô cùng hoang mang khi biến cố liên tục xảy ra".
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cán bộ ngành y đang bối rối, loay hoay vì "đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh".
Vị đại biểu này kiến nghị lên Quốc hội thực hiện các hành động để giúp ngành y tế tháo gỡ các vướng mắc. Thứ nhất là sớm hoàn thiện dự thảo luật khám chữa bệnh sửa đổi. Thứ hai là ban hành các nghị định, thông tư then chốt nhằm tháo gỡ vướng mắc nhiêm trọng của hệ thống y tế. Cuối cùng, đại biểu Hiếu đề nghị cần có ngân sách cụ thể ghi trong gói hồi phục kinh tế cho y tế cấp cơ sở.