Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Quốc hội: 'Không lạc quan một chiều'

(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội cho rằng vẫn có những nền tảng tốt để có thể sớm trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch nhưng "không lạc quan một chiều".

Ngày 27/9, phát biểu bế mạc Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế, xã hội Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là cuộc Tọa đàm tham vấn chuyên gia đầu tiên được tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nhưng đã thu hút được nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế thống nhất nhận định việc kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 và các giải pháp mạnh mẽ của năm 2020 đã giúp Việt Nam ngăn chặn được suy giảm kinh tế, duy trì được tốc độ tăng trưởng 2,91%, là một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới và vẫn duy trì được trong nửa đầu năm 2021.

Nhấn mạnh, những khó khăn hiện nay chỉ là trước mắt, tạm thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vẫn có những nền tảng tốt để có thể sớm trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch nhưng "không lạc quan một chiều".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc toạ đàm ngày 27/9. (Ảnh: PĐ)

Tại toạ đàm, các chuyên gia cũng thống nhất đánh giá có 5 nguyên nhân khiến Việt Nam chuyển từ vị trí “ngôi sao” xuống nhóm nước có tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới trong năm nay như tình hình y tế xấu đi; các chương trình tiêm chủng chậm ngay cả khi đã được tăng tốc trong thời gian gần đây; thực hiện các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn.

Bên cạnh đó là việc thực hiện các chính sách còn thiếu đồng bộ, thiếu linh hoạt khiến hiệu quả chống dịch chưa đạt như mong muốn; chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, chính sách tiền tệ ở mức trung bình thấp, chính sách tài khóa chưa tham gia nhiều do nguồn lực còn hạn chế; các chương trình trợ giúp xã hội cũng còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian tới, các chuyên gia thống nhất cho rằng Việt Nam cần tiếp tục kiên định mục tiêu kép nhưng có ưu tiên về thời điểm, địa bàn cụ thể đối với phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.

Bộ Chính trị đã có kết luận rất rõ về vấn đề này, trong đó, khẳng định kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên mục tiêu nào phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, ở những địa bàn cụ thể, trước mắt tập trung ưu tiên nhiều hơn cho phòng, chống dịch, đặt sức khỏe của người dân lên trên hết và trước hết.

"Chúng ta vẫn đang đi theo đúng quan điểm này. Đường hướng của Việt Nam là rất rõ", ông Huệ nói. 

Về mô hình phòng, chống dịch, Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới đều nhận định chưa thể khắc phục được ngay dịch COVID-19 trong năm 2021, 2022 mà có thể kéo dài hơn.

Do đó, cần chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch COVID-19, chuyển từ các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách, phong tỏa, truy vết là chính sang các biện pháp tăng nhanh tiêm chủng vaccine, giảm tỷ lệ tử vong.

Ngày càng có nhiều nước chuyển sang mô hình thích ứng với COVID- 19. Để làm được điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là tốc độ tiêm chủng vaccine và hiệu quả của vaccine trước những biến chủng mới của virus SARS–Cov-2.

Về một số bài học của quốc tế có thể gợi ý chính sách cho Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe nhân dân cả về thể chất và tinh thần; đồng thời duy trì linh hoạt các hoạt động kinh tế, xã hội bình thường ở mức độ tối đa có thể trong điều kiện có dịch bệnh.

Thực chất ở đây là tìm điểm cân bằng tối ưu giữa mục tiêu phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội để có các biện pháp phù hợp, áp dụng linh hoạt theo thời điểm, địa điểm, diễn biến của dịch, không nhất thiết phải trên diện rộng mà phải có lộ trình, mở dần nhưng có kiểm soát để vừa bảo vệ thành quả chống dịch vừa phục hồi được kinh tế.

Về mục tiêu, các chuyên gia cho rằng, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo mục tiêu kép trong điều kiện bình thường mới, trong đó, mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết và trước hết. Nhiều ý kiến cho rằng, cuối năm 2021 có thể chuyển sang giai đoạn thích ứng với COVID- 19, khôi phục kinh tế, xã hội với lộ trình và bước đi cụ thể, tạo nền tảng và bước đi vững chắc cho phục hồi kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Về quan điểm, các chuyên gia nhấn mạnh, thích ứng với COVID-19 phải sử dụng tổng hợp các chính sách, phương thức, cách làm, biện pháp phù hợp trên cơ sở chủ động, khoa học, sáng tạo để đạt hiệu quả cao hơn cả về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến tại Tọa đàm sẽ được các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình thẩm tra, xem xét, quyết định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội và Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc hoàn thiện thể chế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế xã hội thường niên (dự kiến trong quý I.2022 về chủ đề Phục hồi kinh tế sau đại dịch).

"Tôi mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự đóng góp, chung sức, đồng lòng của các chuyên gia, các nhà quản lý, các tổ chức quốc tế, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, người lao động.

Tôi tin tưởng rằng, những khó khăn hiện nay chỉ là trước mắt, tạm thời, chúng ta vẫn có những nền tảng tốt để có thể sớm trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch. Với sự chung sức đồng lòng, chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn đặc biệt này", Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Xuân Trường

Tin mới