Sau khi tới Thủ đô Vienna, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp gỡ Đại sứ Việt Nam tại Áo và 6 Đại sứ Việt Nam tại các nước EU có chung đường biên giới với Áo gồm: Đức, Bỉ, Séc, Thụy Sĩ, Hungary và Slovakia. Đây là hoạt động đầu tiên trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Áo của Chủ tịch nước.
Tại cuộc gặp, các Đại sứ cho biết, châu Âu đánh giá cao vai trò, vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế và do đó, các chính sách mới của EU gần đây đều dành sự quan tâm đặc biệt với mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Hiện tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và EU còn rất lớn trong mọi mặt. Mỗi năm EU nhập khẩu khoảng 3.200 tỷ euro, tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới đạt 83 tỷ euro. Đầu tư của EU ra nước ngoài rất lớn, tuy nhiên mức độ đầu tư vào Việt Nam còn hạn chế, trong khi EU có thế mạnh về các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chip điện tử, năng lượng tái tạo… EU là thị trường rộng lớn nhưng cũng “khó tính” đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, các Đại sứ mong muốn doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường đầy tiềm năng này.
Lãnh đạo các cơ quan chức năng của Áo đón Chủ tịch nước, Phu nhân và đoàn tại sân bay.
Với khoảng 1 triệu bà con kiều bào Việt Nam tại khu vực EU, các Đại sứ cho biết các hội đoàn người Việt hoạt động rất hiệu quả. Bà con luôn đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, tuân thủ pháp luật nước sở tại, đặc biệt là luôn hướng về quê hương, đất nước. Trong đó, Hội doanh nghiệp Việt Nam toàn châu Âu đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại châu Âu đang nỗ lực hỗ trợ, nâng cao vai trò các hội đoàn và doanh nghiệp Việt Nam tại EU, qua đó giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Các Đại sứ cũng đề nghị các bộ, ngành quản lý chặt chẽ hơn hoạt động xúc tiến lao động ở trong nước, bởi thị trường lao động tại Châu Âu là thị trường giàu tiềm năng nhưng cũng có nhiều tiêu chí riêng về chất lượng nguồn lao động mà các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần tuân thủ.
Sau khi nghe các Đại sứ phát biểu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của các Đại sứ cùng cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại châu Âu đã triển khai toàn diện và hiệu quả các trọng tâm đối ngoại với nhiều kết quả tích cực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Các kết quả đó góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, vun đắp và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với EU và các quốc gia châu Âu.
Nhấn mạnh, bối cảnh tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cấp thiết đối với công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước đề nghị các Đại sứ nắm chắc chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, kết quả Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; triển khai mạnh mẽ và toàn diện các văn kiện lớn mang tính định hướng trong lĩnh vực đối ngoại như Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Cùng với đó là đẩy mạnh hơn nữa công tác dự báo, nghiên cứu chiến lược và liên tục đổi mới tư duy để thích ứng kịp thời với tình hình, bắt kịp xu thế mới, phục vụ cho công tác tham mưu và đề xuất chủ trương, chính sách với Đảng và Nhà nước; phát huy sức mạnh tổng hợp ở cả đối ngoại song phương và đa phương, triển khai toàn diện các nhiệm vụ chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, tuyên truyền đối ngoại và công tác cộng đồng, thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với các nước trên mọi lĩnh vực.
Nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu là một cộng đồng lớn và phân bố rộng khắp với nhiều tổ chức hội đoàn, đa dạng và phong phú, Chủ tịch nước yêu cầu, các cơ quan đại diện Việt Nam quan tâm sát sao, triển khai sâu rộng và chủ động hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại châu Âu. Cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện Việt Nam tại châu Âu phải coi trọng và hết sức nỗ lực giúp đỡ bà con kiều bào, nâng cao vị thế của cộng đồng ta ở sở tại; làm tốt công tác cộng đồng và bảo hộ công dân theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.