Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chi tiết hàng loạt sai phạm của TP.HCM khi quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Thanh tra Chính phủ kết luận, TP.HCM có nhiều khuyết điểm, vi phạm liên quan đến quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây bức xúc dư luận.

Ngày 26/6, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chính thức ban hành kết luận thanh tra liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM).

Trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới (KĐT) Thủ Thiêm, UBND TP.HCM và các sở, ngành liên quan có những khuyết điểm, vi phạm chủ yếu sau:

UBND TP.HCM ban hành Điều lệ quản lý xây dựng KĐT Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời; không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ lập, trình, duyệt dự án khi đã có nhà đầu tư tham gia mà không theo thứ tự ưu tiên. Điều này dẫn đến việc đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý, có nơi buông lỏng quản lý đầu tư xây dựng, chậm triển khai đầu tư xây dựng...

 Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Các cơ quan chức năng liên quan của thành phố đã đề xuất và được Thường trực Thành ủy, UBND TP.HCM phê duyệt chi phí đầu tư bình quân giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu là không đầy đủ và không đúng quy định.

Ngoài ra, khi đề xuất phương án giá trên, các sở, ngành và UBND TP.HCM đã không tính lãi đối với khoản tiền được tạm ứng từ ngân sách nhà nước, dẫn đến, tổng mức đầu tư đã xác định và phê duyệt là không đúng quy định.

Việc UBND TP.HCM và các sở, ngành lấy giá 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư hoặc tự thỏa thuận khi giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án trong KĐT Thủ Thiêm là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định.

Toàn bộ quỹ đất trong KĐT Thủ Thiêm là 221,68 ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng UBND TP.HCM đã sử dụng chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính KĐT Thủ Thiêm, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai.

Như vậy, UBND TP.HCM sử dụng đơn giá bằng chi phí đầu tư bình quân là 26 triệu đồng/m2 không đầy đủ, thiếu chính xác, không đúng quy định làm giá tối thiểu không thông qua hình thức đấu giá đất theo quy định.

Đối với các dự án BT hạ tầng: Tại dự án BT 4 tuyến đường chính: UBND thành phố chấp thuận chủ trương chỉ định giao cho Công ty cổ phần Đại Quang Minh là nhà đầu tư dự án BT khi chưa yêu cầu nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất và đánh giá các tiêu chuẩn về kinh nghiệm, chưa đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, không đăng trên Báo Đấu thầu 3 số liên tiếp…

Tại Dự án BT Cầu Thủ Thiêm 2: UBND thành phố trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chỉ định nhà đầu tư, theo đó, UBND Thành phố đã có chủ trương chọn Vinaconex làm chủ đầu tư thực hiện dự án, nhưng sau đó, giao cho Công ty cổ phần Đại Quang Minh, đồng thời, thay đổi quy mô cầu từ 4 thành 6 làn xe nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ là không thực hiện đúng quy định.

Đối với dự án BT Hạ tầng Khu dân cư phía Bắc: UBND thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận cho thực hiện theo hình thức BT nhưng không đăng tải nội dung của dự án lên Trang thông tin điện tử của thành phố và Báo Đấu thầu.

Đối với các dự án đối ứng với dự án BT: UBND thành phố chấp thuận sử dụng quỹ đất sạch trong KĐTM Thủ Thiêm để cân đối, thanh toán cho các dự án BT (04 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm Hạ tầng khu dân cư phía Bắc…TP.HCM không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là không đúng quy định.

Đối với các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất: Các dự án Khu Phức hợp Tháp quan sát và Khu phức hợp Sóng Việt được UBND thành phố chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Đối với khu tái định cư 38,4 ha thuộc KĐT Thủ Thiêm: Các dự án thuộc Khu tái định cư 38,4 ha đã được Thanh tra Bộ Xây dựng và Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm tra và có kết luận.

Bước đầu cho thấy: trong 4 dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư, trong đó: có 3 dự án được các nhà đầu tư xây dựng hoàn thành, bàn giao và thanh toán với UBND thành phố để bố trí tái định cư.

Hiện nay, do chưa bố trí tái định cư nên UBND thành phố tiếp tục cho đấu giá để chuyển sang nhà ở thương mại; còn lại 1 dự án 1.330 căn hộ đã được nhà đầu tư thay đổi thiết kế từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại, chuyển nhượng cho người sử dụng1.122/1.228 căn hộ, đồng thời, UBND thành phố đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng khu tái định cư khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ

Việc UBND thành phố đã phê duyệt và điều chỉnh Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư trị giá 38.679.446 triệu đồng là không đúng thẩm quyền quy định.

QUANG HẢI

Tin mới