Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chánh Thanh tra TP.HCM đề xuất hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp

(VTC News) -

Chánh Thanh tra TP.HCM đề xuất hoàn thiện luật về tịch thu, thu hồi tài sản và hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp nhằm tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng.

Đề xuất trên được ông Trần Văn Bảy - Chánh Thanh tra TP.HCM nêu tại tọa đàm "Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP.HCM" do Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, sáng nay 11/10. 

Ông Trần Văn Bảy cho rằng, công tác thu hồi tài sản qua hoạt động thanh tra hiện gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do các quy định về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế vẫn mang tính chất nguyên tắc, chưa cụ thể, thiếu biện pháp cưỡng chế và chế tài xử lý đối với các trường hợp đối tượng thanh tra chây ì, cố tình né tránh trách nhiệm.

Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy phát biểu tại tòa đàm sáng nay 11/10. (Ảnh: BTC)

Ông cũng chỉ ra rằng cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, bất động sản, trái phiếu và chứng khoán chưa đồng bộ và còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi tài sản khi thi hành án và sau quá trình thanh tra.

Ngoài ra, mặc dù hành vi phạm tội và tham nhũng kinh tế có thể đã được phát hiện qua hoạt động thanh kiểm tra, đơn thư tố cáo của cá nhân, tổ chức, hoặc qua công tác tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, biện pháp kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi đã có quyết định khởi tố bị can, bị cáo.

Ông Trần Văn Bảy giải thích thêm, khi thanh tra phát hiện sai phạm, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ hoặc sử dụng trái phép chỉ có thể được xử lý đối với tiền chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra, còn các tài sản khác, cơ quan thanh tra không có thẩm quyền trực tiếp mà chỉ có thể kiến nghị xử lý.

Cơ quan thanh tra hiện cũng không có thẩm quyền phong tỏa, kê biên tài sản ngay trong quá trình thanh tra đối với các cá nhân, tổ chức liên quan, dẫn đến nguy cơ tài sản bị tẩu tán. Đây là một vấn đề đáng lo ngại, vì những người có hành vi sai phạm thường tìm cách che giấu hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản trước khi bị phát hiện.

Các đại biểu tham dự tọa đàm "Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP.HCM". (Ảnh: BTC)

Chánh Thanh tra TP.HCM nhấn mạnh, tài sản thu hồi được trong quá trình thanh tra chủ yếu là tài sản liên quan trực tiếp đến sai phạm, trong khi thực tế, tài sản phạm tội thường được chuyển đổi hình thức sở hữu từ trước khi có quyết định khởi tố. Ông cũng chỉ ra rằng hiện chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thanh tra và các cơ quan chức năng trong việc xác minh, truy tìm tài sản bị chiếm đoạt, làm khó khăn cho công tác thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng và tiêu cực.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Mặc dù Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130 của Chính phủ đã có quy định về kiểm soát tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về cách thức kiểm soát, cũng như chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản và thu nhập.

Từ thực tiễn này, Chánh Thanh tra TP.HCM đề xuất cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, cần ban hành quy định cụ thể về các biện pháp cưỡng chế và chế tài xử lý đối với các đối tượng cố tình trốn tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian hoặc không chịu nộp lại tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ.

Cần hoàn thiện các quy định pháp luật về cơ chế tịch thu, thu hồi tài sản bằng hình thức hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng”, ông Bảy nói và cho rằng cần có quy định pháp lý rõ ràng về thẩm quyền của cơ quan thanh tra trong việc thu hồi tài sản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, bao gồm quyền phong tỏa, kê biên tài sản.

Hơn nữa, việc phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán và các cơ quan tố tụng cần được triển khai sớm để đảm bảo việc thu hồi tài sản được thực hiện triệt để ngay từ khi phát hiện sai phạm.

Trong dài hạn, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, cơ sở dữ liệu đất đai, và các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt cần được hoàn thiện. Những cơ sở dữ liệu này sẽ là công cụ quan trọng giúp minh bạch hóa thu nhập và tài sản, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cho nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng.

Ông Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM cho rằng, các vụ án tham nhũng không chỉ gây tổn thất nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước mà còn làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng.

Ông Châu nhấn mạnh, tài sản thu hồi không chỉ đóng góp trực tiếp vào ngân sách nhà nước mà còn củng cố lòng tin của nhân dân vào công tác phòng, chống tham nhũng. Kết quả này phản ánh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và việc áp dụng kịp thời các biện pháp truy vết tài sản.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng, chức vụ và kinh tế tại TP.HCM vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức. 

Hoàng Thọ

Tin mới