Đây cũng là nền tảng để hãng tiếp tục sứ mệnh "Vì một Việt Nam vươn cao vượt trội” sau 25 năm phát triển cùng ngành sữa địa phương.
Tiêu chuẩn Hà Lan - nền tảng cho hành trình mới
Kinh nghiệm 150 năm phát triển cùng ngành sữa thế giới và 2,5 thập kỷ tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng của người Việt, công thức thành công của Cô Gái Hà Lan là bộ tiêu chuẩn kiểm soát FoQus dung hòa với di sản trăm năm ngành sữa.
Ngay từ bước đi đầu tiên, hãng đã hướng đến mục tiêu tạo giá trị “vàng” cho sữa tươi nguyên liệu. Những “nông trại hạnh phúc” với đàn bò được nuôi dưỡng theo tiêu chuẩn Hà Lan đã mang đến nguồn sữa giàu dưỡng chất.
Xem yếu tố “sữa nguyên liệu là quan trọng nhất”, ở khâu thu mua, từng bồn sữa trải qua bài kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, đảm bảo không tồn dư kháng sinh hoặc phụ gia độc hại.
Việc đánh giá sữa nguyên liệu không chỉ dựa vào cảm quan của chuyên gia thu mua mà còn được kiểm soát bằng kỹ thuật, máy móc. Sữa phải vượt qua “thành trì chất lượng” gồm các bài kiểm tra số đếm tạp trùng, độ pH, độ đạm, béo và các dưỡng chất khác.
Nỗ lực tiếp theo của Cô Gái Hà Lan là quy tắc “20 phút vàng” trong vận chuyển sữa nguyên liệu được áp dụng thành công nhờ 45 điểm làm lạnh tập trung bố trí rải khắp toàn quốc. Nhờ đó, sữa tươi nguyên liệu đảm bảo độ tươi và an toàn hơn chuẩn 11 lần.
Ngoài ra, hãng còn thiết lập tiêu chuẩn an toàn chất lượng, dinh dưỡng cho ngành sữa với bộ tiêu chí dinh dưỡng toàn cầu Global Nutrition Standard - GNS. Từ nền tảng là nguồn dinh dưỡng vượt trội, Cô Gái Hà Lan góp phần xây dựng nền tảng thể chất vững vàng cho hàng triệu trẻ em Việt Nam.
“Tiêu chuẩn Hà Lan trở thành bảo chứng chất lượng của Cô Gái Hà Lan. Mỗi năm, có 1,2 triệu sản phẩm của chúng tôi được người tiêu dùng lựa chọn. Đó là phần thưởng cao quý. Nối bước sứ mệnh phụng sự người Việt trong thập kỷ tới, hành trang chúng tôi mang theo vẫn là những giá trị vàng từ chất lượng”, bà Tạ Thúy Hà, Giám đốc Tiếp thị Sữa tiêu dùng, Tập đoàn FrieslandCampina Việt Nam, khẳng định.
Thấu hiểu người dùng để “nhập gia tùy tục”
Hành trình thấu hiểu người dùng của Cô Gái Hà Lan giống như một cuộc chạy đua tiếp sức mà tại đó, tất cả mắt xích từ nông dân, đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm… không ngừng nỗ lực để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của người dùng Việt Nam.
Chiến lược bản địa hóa sản phẩm của thương hiệu không đơn giản là thay đổi bao bì mà xuất phát từ việc lắng nghe nhu cầu của người dùng. Cụ thể ở khu vực Đông Nam Á, hãng tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em thông qua cuộc khảo sát SEANUTs, với quy mô 18.000 trẻ từ 6 tháng tuổi đến 12 tuổi.
Từ bức tranh toàn cảnh thực trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam, kết hợp bộ tiêu chí dinh dưỡng toàn cầu GNS, các chuyên gia Cô Gái Hà Lan phát triển sản phẩm có hàm lượng dưỡng chất được “bản địa hóa”, phù hợp nhu cầu dinh dưỡng của người dùng địa phương.
Theo đó, mỗi hộp sữa tươi đảm bảo các chất dinh dưỡng theo khuyến nghị của Bộ Y tế và nhu cầu trẻ em Việt Nam như canxi, protein, các vitamin và khoáng chất. Đồng thời hãng giảm đến 45% lượng đường, hạn chế muối và chất béo bão hòa,…
Trong năm nay, Cô Gái Hà Lan tiếp tục hoàn thiện dự án SEANUT II với trọng tâm tăng cường protein trong sữa để phù hợp giai đoạn tăng trưởng của trẻ. Cột mốc này là bước tiến quan trọng giúp hãng đến gần hơn với nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ em Việt Nam.
Thông tin khoa học được thu thập là nền tảng để nhãn sữa viết tiếp chương mới trong những năm tiếp theo, thông qua việc phát triển sản phẩm và các chương trình hỗ trợ phát triển sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.
Nỗ lực thấu hiểu người tiêu dùng suốt 25 năm qua, sữa tươi Cô Gái Hà Lan an toàn vượt chuẩn 11 lần là lời giải cho bài toán cung cấp nền tảng dinh dưỡng cân bằng, tự nhiên và thuần khiết tới người tiêu dùng Việt Nam, đại diện doanh nghiệp cho biết.