Liên quan đến việc quy hoạch bị băm nát tại tuyến đường Lê Văn Lương, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, kết luận thanh tra về khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu chỉ là một phần của tảng băng chìm về các sai phạm của vấn đề quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng tại TP.Hà Nội.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng, cần thêm các kết luận thanh tra, thậm chí là kết luận điều tra về quy hoạch tại các khu vực khác để làm bung ra các sai phạm, nhóm lợi ích, phải xử lý cán bộ bất kể đương chức hay đã nghỉ vì tội trạng đã làm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn cho rằng, các thế hệ Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trong giai đoạn này là các ông Nguyễn Thế Thảo, Nguyễn Đức Chung điều hành.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng không thể nhân nhượng với tiêu cực, sai phạm mà phải xử lý để đổi mới, tạo ra nếp mới cho xã hội, tránh tạo tiền lệ xấu.
Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại hầu hết công trình thuộc khu vực này đã bị vạch rõ.
Theo đó, các dự án được lập, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc tỷ lệ 1/500, rồi điều chỉnh, điều chỉnh nhiều lần (có dự án 5 lần điều chỉnh) nhưng không được công bố công khai minh bạch, dẫn đến tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong quản lý đô thị không biết để quản lý, giám sát thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2003, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009.
Trong đó, UBND Hà Nội đã điều chỉnh sai quy hoạch sai quy định pháp luật tổng số 56 đồ án, dự án, công trình được kiểm tra, gồm: 4 đồ án quy hoạch chi tiết; 16 lần điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết; 22 lần điều chỉnh bằng các văn bản chấp thuận.
Hàng loạt cao ốc được nâng tầng trái quy định mọc lên trên đường Lê Văn Lương khiến con đường này luôn quá tải.
Đối với Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội khi đã có quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở cấp GPXD, quản lý đầu tư xây dựng, tuy nhiên vẫn thực hiện chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều chỉnh quy hoạch không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sai quy định pháp luật, bao gồm: 19 dự án, công trình không xác định chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, phạm vi xây dựng tầng hầm công trình; 10 dự án, công trình ghi số tầng không đúng quy hoạch; 32 dự án công trình có nội dung vi phạm QCXDVN ban hành theo quyết định 682/BXD-CSXD năm 1996.
Đối với Sở Xây dựng đã cấp giấy phép xây dựng (GPXD) có một số nội dung sai quy định. Trong đó có 12 GPXD không có nội dung màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, cấp cốt xây dựng công trình không có cơ sở, có 3 GPXD cấp không phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt, tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận, có 9 GPXD cấp phần hầm vượt chỉ giới xây dựng, có 2 GPXD ghi số tầng không đúng…Về quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng được duyệt, tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận và GPXD cũng nhiều sai sót.
Đáng chú ý, Kết luận thanh tra số 39 cũng chỉ ra, từ năm 2007 - 2015, có nhiều dự án, công trình được điều chỉnh từ đất đơn chức năng thành đa chức năng, nâng tầng, tăng mật độ, chất tải lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sai quy định pháp luật.
Nếu xét theo các đời chủ tịch Hà Nội thì đây là giai đoạn ông Nguyễn Thế Thảo làm chủ tịch, ông Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thế Hùng làm Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc và các ông Đỗ Xuân Anh, Nguyễn Thế Hùng, Lê Văn Dục làm Giám đốc Sở Xây dựng.
Các dự án sai phạm có thể kể đến như: dự án khu hỗn hợp văn phòng cho thuê - nhà ở tại ô đất 3.10-NO do liên danh Hadico và Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội là chủ đầu tư nâng tầng từ 6,5 tầng lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm 10.794m2.
Dự án trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở để bán tại ô đất 3.7-CC (tên thương mại Hà Nội Center Point) đã điều chỉnh từ đất công cộng thành phố thành nhà ở cho thuê, thành nhà ở rồi thành hỗn hợp (văn phòng, dịch vụ và nhà cho thuê), mật độ xây dựng từ 26% thành 52%, tầng cao từ 15 tầng thành 32 tầng, làm tăng thêm dân số khoảng 1.060 người.
Hay dự án công trình trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê số 19 đường Lê Văn Lương do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Sao Mai làm chủ đầu tư, cơ quan thanh tra cũng phát hiện Hà Nội 2 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật, điều chỉnh đất ở thành trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, tầng cao từ trung bình 7,5 tầng (7-9 tầng) thành 16 tầng…
Cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp với văn phòng và siêu thị tại ô đất có ký hiệu 2.5HH đường Lê Văn Thiêm, UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 3 lần điều chỉnh sai quy định, đã điều chỉnh tầng cao từ trung bình 6,5 tầng thành 25 tầng, điều chỉnh tăng số căn hộ từ 352 thành 740 căn, dân số tăng từ 2.112 người lên 2.652.
Tương tự, tại dự án HAAC1 Time Tower do Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội là chủ đầu tư, cơ quan thanh tra cũng phát hiện UBND TP Hà Nội 2 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 1 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật đã điều chỉnh tăng tầng cao từ trung bình 7,2 tầng thành 25 tầng, mật độ xây dựng từ 56,7% lên 59,53%, tăng thêm dân số (tạm tính) 680 người.
Tại dự án tòa nhà hỗ hợp văn phòng và căn hộ chung cư do Công ty CP Xây dựng Licogi 19 là chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cho biết UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 1 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật, đã điều chỉnh chức năng ô đất từ đất cơ quan sang hỗn hợp, tăng tầng cao từ 8 tầng thành 25 tầng, tăng thêm dân số 648 người…
Trong khoảng 20 năm, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội lần lượt là các ông Hoàng Văn Nghiên (giữ chức từ 1999 - 2004); Nguyễn Quốc Triệu (2004 - 2007); Nguyễn Thế Thảo (2007 - 2015); Nguyễn Đức Chung (2015 - 2020). Khoảng thời gian này, giám đốc Sở QH-KT Hà Nội lần lượt là các ông Đào Ngọc Nghiêm, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thế Hùng, Lê Vinh. Còn giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội là các ông Đỗ Xuân Anh, Nguyễn Thế Hùng, Lê Văn Dục...