Từ ngày 29 đến sáng 30/11, khu vực phía Đông Nam tỉnh Gia Lai xảy ra mưa lớn. Nước lũ dâng cao làm ngập hoa màu cũng như nhiều tài sản của người dân.
Sáng 30/11, ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) cho biết, lực lượng chức năng địa phương vừa giải cứu thành công 15 người dân bị mắc kẹt trên sông vì nước lũ bủa vây. 15 người dân này từ tỉnh Bình Định lên khu vực bãi cồn nằm trên sông Ba (thuộc địa phận xã Chư Gu và Chư Drăng, huyện Krông Pa) để thuê đất trồng dưa. (Ảnh: P.H)
Theo đó, 3 ngày qua, tại huyện Krông Pa xảy ra mưa lớn. Từ tối 29/11 đến nay, nước sông Ba đột ngột dâng cao, bao vây khu vực bãi cồn nơi người dân trồng dưa khiến 15 người dân bị mắc kẹt. Trong số này có 8 người canh tác ở địa phận xã Chư Gu, 7 người canh tác địa phận xã Chư Dăng. (Ảnh: P.H.)
Ông Hồ Văn Thảo cho biết, sau khi nhận tin báo, ngay trong sáng nay (30/11), huyện đã huy động lực lượng chức năng tổ chức đưa 4 thuyền máy ra giải cứu người dân, 15 người dân cùng các vật dụng của họ đã được giải cứu và neo vào bờ an toàn. (Ảnh: P.H.)
Tại tỉnh Bình Định, từ 19h ngày 29/11 đến ngày 30/11, khu vực tỉnh Bình Định có mưa lớn diện rộng, gây ngập và chia cắt, sạt lở ở nhiều địa phương trong tỉnh. (Ảnh: Hiền Mai)
Các vùng trũng thấp trên các tuyến đường thuộc thành phố Quy Nhơn, các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ đều bị nước lũ nhấm chìm. (Ảnh: Hiền Mai)
Nước dâng cao ngập gần nửa nhà dân, đường biến thành sông.
Ngành chức năng tỉnh Bình Định cũng đã có mặt trực tiếp tại các khu vực xung yếu, nước chảy xiết để chỉ đạo đồng thời yêu cầu người dân không được di chuyển qua các khu vực này nhằm đảm bảo an toàn.
Mưa lũ những ngày gần đây làm hơn 1.100 ngôi nhà của người dân tại tỉnh Bình Định bị ngập, hiện đã di dời hơn 400 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu từ các vùng bị uy hiếp sạt lở đất tới các khu vực cao, kiên cố liền kề; hơn 66.000 học sinh không thể đến trường; 1 người chết; 1 nhà bị sạt lở đất; gần 400 ha hoa màu, đồng ruộng của người dân bị ngập úng; nhiều vị trí đường giao thông bị sạt lở; kênh mương bị bồi lấp, nhiều đập tạm bị nước cuốn trôi.
Theo cơ quan chức năng, mưa vẫn đang rất lớn, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt tại các vùng trũng thấp, đặc biệt tại các huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn. (Ảnh: Hiền Mai)
Trong khi đó tại tỉnh Phú Yên (địa phương lân cận với tỉnh Bình Định), theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này, từ đêm 29/11 đến sáng 30/11, tại Phú Yên có mưa từ rất to, riêng tại huyện Sông Hinh lên đến 425,4 mm. Mưa lớn khiến nước đổ về các hồ chứa của các nhà máy thủy điện lớn nên đồng loạt 3 hồ chứa nước của Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ, Nhà máy Thủy điện Sông Hinh và Nhà máy Thủy điện Krông Năng phải xả lũ; các hồ thủy lợi như hồ Đồng Tròn, hồ Phú Xuân và hồ Suối Vực cũng đã xả tràn. Trước tình hình mưa lũ có diễn biến phức tạp, nhất là tại huyện Sông Hinh có nhiều tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt như tuyến ĐT642, ĐT641, UBND tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu chính quyền huyện sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn.