Thần Tài là vị thần ý niệm, biểu trưng cho tiền tài, sự giàu có. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, ngày mùng 10 tháng Giêng vốn không phải ngày vía thần Tài mà là ngày vía đất, đúng như quan niệm "mùng 9 vía trời, mùng 10 vía đất" của người Việt xưa.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hóa, thương nghiệp vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thần Tài trở thành vị thần mới chuyên trách cho việc phát tài, được thờ cúng và là một gia thần phổ biến với các gia đình người Việt.
Việc thờ cúng thần Tài diễn ra tự do theo quan niệm dân gian, phong tục của từng vùng miền.
Lễ vật dâng cúng ngày vía thần Tài thường là lễ mặn. Bộ tam sinh gồm thịt heo, tôm hoặc cua luộc, trứng gà hoặc trứng vịt là những món quen thuộc trên mâm cúng.
Các gia đình Nam Bộ thường cúng cá lóc nướng trong ngày vía thần Tài. (Ảnh: Duy Hiệu)
Tại nhiều tỉnh thành phía nam, người dân còn cúng thêm cá lóc nướng. Theo chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh, người dân Nam Bộ có quan niệm cúng cá lóc nướng sẽ đem đến nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Không chỉ được dâng cúng trong ngày vía thần Tài, cá lóc nướng còn là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng ông Công ông Táo chầu trời vào 23 tháng Chạp.
Cá lóc nướng dùng để cúng phải nguyên con, không cạo vảy, không cắt vi và đuôi. Khi đem đi nướng trui, cần dùng mía chẻ xiên thẳng qua miệng cá để định hình con cá được thẳng thớm.
Nhiều người cho rằng tục cúng cá lóc nướng có thể bắt nguồn từ nét văn hóa gắn liền với sông nước, kênh rạch của vùng Nam Bộ.
Cá lóc có thể được coi là sản vật đặc trưng vùng miền nên khi dâng lên thần linh sẽ thể hiện lòng biết ơn, trân trọng thiên nhiên mưa thuận gió hòa, tưởng nhớ đến cuộc sống cần cù của ông cha ngày trước.
Với sức sống mãnh liệt và khả năng sinh tồn tốt trong nhiều điều kiện khác nhau, cá lóc còn tượng trưng cho nỗ lực và sự thành công.
Ngoài ra, theo phong thủy, cá luôn là biểu tượng để thu hút tài lộc, may mắn. Hình ảnh đó còn đại diện cho mong ước có được cuộc sống trôi chảy thuận lợi như cá bơi trong nước.