Ngày 13/4 nhiều người dân bức xúc phản ánh việc trang tin visithue.vn do Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đăng tải thông tin giới thiệu di tích kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia".
Theo đó, tại chuyên mục Khám phá của trang tin nói trên có đăng tải bài viết của tác giả Phương Thảo với nhan đề: "Khám phá di tích quốc gia Nghênh Hương Đình" nhưng lại dùng loạt hình ảnh chụp di tích Phu Văn Lâu và chú thích ảnh đó là Nghênh Hương Đình.
Trang tin điện tử do Sở Du lịch Huế quản lý đưa tin kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" khi "nhầm" di tích Phu Văn Lâu thành Nghênh Hương Đình.
Trước sự việc này, một lãnh đạo của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin sự việc, đơn vị đã phán ảnh với Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế để phối hợp xử lý.
Ông Nguyễn Văn Phúc – Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế xác nhận, trang visithue.vn là trang thông tin điện tử do Sở quản lý.
Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, sau khi nhận được thông tin phản ánh, đơn vị đã gỡ bỏ bài viết với nội dung trên xuống khỏi trang tin visithue.vn vì không chỉ hình ảnh thiếu chính xác mà nhiều thông tin trong bài viết cũng không đúng.
Ông Nguyễn Văn Phúc cũng thừa nhận, sai sót kể trên là của tác giả bài viết nhưng tổ biên tập duyệt bài và cả ban giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cũng có trách nhiệm.
Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cũng cho biết thêm: "Thông thường, khi một bài viết gửi về Sở Du lịch, tổ biên tập sẽ kiểm tra thông tin kỹ rồi xuất bản, những vấn đề mang tính nhạy cảm thì ban giám đốc sẽ duyệt đăng. Tuy nhiên, với trường hợp này, tổ biên tập đã sơ suất, ban giám đốc cũng có trách nhiệm trong việc này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm”, ông Nguyễn Văn Phúc nói.
Còn đây mới là di tích Nghênh Hương Đình. Tuy nhiên, di tích này vẫn còn đang ngổn ngang và được quây kín vì đang được trùng tu. (Ảnh: Nguyễn Hiền)
Theo tài liệu lịch sử, Nghênh Lương Tạ được xây dựng dưới triều vua Tự Đức thứ 5 (1852), đến thời Khải Định về sau, Nghênh Lương Tạ được đổi tên thành Nghênh Lương Đình, là nơi để phục vụ nhà vua đến nghỉ mát.
Nghênh Lương Đình có kết cấu kiến trúc kiểu phương đình 1 gian 4 chái, phía trước và phía sau đều có nhà vỏ cua nối dài ra. Bộ khung gỗ ở phần trên, nhất là các vì vỏ cua cùng hệ thống liên ba được chạm trổ công phu. Mái nhà chính lợp ngói ống lưu ly vàng, hai nhà vỏ cua lợp ngói liệt men vàng.
Nền Nghênh Lương Tạ cao 90cm, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh, phía bờ sông có 13 bậc cấp dẫn xuống một hành lang xây sát mặt nước sông Hương. Cảnh quan xung quanh nhà tạ thoáng đãng và rất trữ tình.
Xét về cấu trúc không gian ở trục trước mặt Kinh thành, Nghênh Lương Tạ là điểm nối kết giữa Kỳ Đài - Phu Văn Lâu - Hương Giang - Ngự Bình.
Video: Khu lưu niệm Phan Bội Châu ở Nghệ An được trùng tu theo kiểu 'băm nát' gây bức xúc