Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

T-90 hay Challenger 2 sẽ chiến thắng ở Ukraine?

(VTC News) -

Sự xuất hiện của Challenger 2 trên chiến trường đã gây được sự chú ý của các chuyên gia quân sự và liệu chiếc xe tăng Anh có đủ sức đối đầu với T-90 của Nga?

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã gia tăng trong những năm gần đây, nhất là từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Khả năng xe tăng của Nga và của Anh sẽ đọ sức trong một cuộc chiến tiềm tàng ở châu Âu không phải là một viễn cảnh xa vời. Hiện cả 2 quốc gia đều sở hữu những xe tăng mạnh nhất trên thế giới, đó là xe tăng là T-90 và Challger2.

Biến thể mới nhất của xe tăng T-90 được xem là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2. Mặc dù cả hai cỗ máy này đều được ca ngợi là những thiết bị quân sự quân sự đặc biệt, tuy nhiên chỉ có một chiếc có thể giành được chiến thắng trên chiến trường.

Thật thú vị khi so sánh xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga và Anh để xác định xe tăng nào vượt trội hơn về tốc độ, giáp bảo vệ, hệ thống điều khiển hoả lực và hoả lực trên xe.

Xe tăng T-90.

Thông số kỹ thuật

Xe tăng T-90 là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Nga, được đưa vào sử dụng từ năm 1993. T-90 là một phiên bản nâng cấp của T-72B và được tích hợp nhiều đặc tính thiết kế của T-80.

Xe tăng T-90 có trọng lượng 48 tấn, dài 10 m, rộng 4 m và cao 2,2 m. Với động cơ 1.000 mã lực, T-90 có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 60 km/h. Phạm vi hoạt động hơn 500 km, kíp xe gồm 3 người. Đến nay đã có hơn 3.200 chiếc T-90 được xuất xưởng, giá thành mỗi chiếc là 5 triệu USD.

Challenger 2 là xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Anh, được công ty Vickers Defense Systems, một tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Anh nghiên cứu và phát triển, đi vào hoạt động từ năm 1998. Có khoảng 447 chiếc đã được sản xuất, giá thành mỗi chiếc là 9 triệu USD.

Kíp xe gồm 4 người, trọng lượng sẵn sàng chiến đấu của xe là 75 tấn, xe có chiều dài 13,5 m, chiều rộng 3,5 m và cao 2,5 m, động cơ 1.200 mã lực, có thể đạt tốc độ tối đa 60km/h, phạm vi hoạt động hơn 500 km.

Xe tăng Challenger 2.

Khả năng sống sót của tổ lái và giáp bảo vệ

T-90 nhẹ hơn nhiều so với xe tăng Anh, tuy nhiên nó có lớp giáp tốt và hệ thống phòng thủ khá hiện đại. 

T-90 là xe tăng đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống bảo vệ 5 lớp: lớp 1 là hệ thống ngụy trang "Nakidka" để làm giảm khả năng bị đối phương phát hiện bằng ống nhòm, radar hoặc tín hiệu hồng ngoại. Lớp thứ 2 là hệ thống phòng thủ chủ động quang điện gây nhiễu Shtora-1 để chống lại các tên lửa dẫn đường bằng laser, hồng ngoại gây rối các hệ thống hiển thị mục tiêu.

Lớp thứ 3 là hệ thống phòng thủ chủ động ARENA chuyên đánh chặn các loại đạn chống tăng trước khi chúng lao vào xe; lớp thứ 4 là giáp phản ứng nổ gắn ngoài và lớp thứ 5 là vỏ giáp được kết hợp giữa thép độ bền cao và vật liệu tổng hợp (composite).

Áo giáp xe tăng Challenger 2 cũng được đánh giá là một trong những loại tốt nhất trên thế giới. Nó được trang bị áo giáp Chobham thế hệ thứ hai cứng hơn thép gấp hai lần. Trên chiến trường, xe tăng có thể được trang bị thêm các tấm và thanh giáp bổ sung với bộ dụng cụ ERA.

Challenger 2 có bề dày kinh nghiệm chiến đấu khi từng góp mặt trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cũng như tham chiến tại Iraq.

Tại Iraq, Challenger 2 đã chứng tỏ được sự chắc chắn của lớp giáp, các loại tên lửa vác vai hoặc vũ khí chống tăng quân đội Iraq không thể bắn hỏng được bất kỳ chiếc Challenger 2 nào. Thậm chí trong một trận đánh, một chiếc Challenger 2 đã bị trúng 14 phát đạn RPG-7 và 1 tên lửa chống tăng MILAN, nhưng toàn bộ kíp lái đều sống sót và xe bị hư hại không đáng kể.

Challenger 2 khai hỏa.

Sức mạnh động cơ và tính di động

Các biến thể T-90 được trang bị động cơ khác nhau. Biến thể mới nhất là T-90M được trang bị động cơ Diesel V12, có công suất 1.000 mã lực. Động cơ này có thể chạy bằng dầu hỏa, benzen hoặc diesel.

Challenger 2 được trang bị động cơ diesel Perkins V12, công suất 1.200 mã lực. Được hỗ trợ bởi hộp số 8 tốc độ, có thể di chuyển với tốc độ tối đa 60 km/h trên đường trải nhựa và 40 km/h trên đường địa hình tác chiến.

Hệ thống điều khiển hỏa lực

Hệ thống điều khiển hỏa lực của T-90 được vi tính hóa hoàn toàn nhưng cũng có tính năng điều khiển bằng tay. Hệ thống điều khiển hỏa lực của người chỉ huy và xạ thủ bao gồm hỏa lực ban ngày, tầm nhìn ban đêm và tầm nhìn ảnh nhiệt để nhận dạng mục tiêu. Máy đo xa laser cho phép “bắn khi đang di chuyển” ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu.

Tương tự, Challenger 2 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số để quản lý tất cả các thiết bị ngắm. Người chỉ huy có tầm nhìn toàn cảnh ổn định bằng con quay hồi chuyển với máy đo khoảng cách bằng laser, được hỗ trợ bởi 8 kính tiềm vọng cho trường nhìn 360 độ. Xe tăng cũng được trang bị hệ thống quan sát nhiệt và hệ thống ngắm pháo.

T-90M trên chiến trường Ukraine.

Hỏa lực

Vũ khí chính của T-90 là pháo nòng trơn 125 mm. Đây là phiên bản được sửa đổi của súng chống tăng Sprut, nó có thể được thay thế mà không cần tháo tháp pháo bên trong. Được nạp đạn tự động, súng có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm đạn xuyên giáp, đạn chống tăng và đạn phân mảnh có sức nổ cao. Pháo của T-90 còn có thể bắn tên lửa dẫn đường bắn tỉa chống tăng.

Challenger 2 được trang bị pháo cỡ nòng 120 mm, được chế tạo bằng thép và hợp kim công nghệ cao. Các tính năng khác bao gồm ống dẫn nhiệt, hút khói và ổn định điện, cùng hai súng máy đồng trục sử dụng cỡ đạn 7,62 x 51 mm.

Để tăng thêm uy lực, tập đoàn BAE Systems Land & Armaments đã chế tạo loại đạn sử dụng uranium nghèo có khả năng xuyên thủng các lớp giáp phản ứng nổ được lắp bên ngoài xe tăng đối phương.

Xe tăng Challenger-2 thường được các chuyên gia quân sự so sánh với T-90M. Dựa trên các tính năng, xe tăng T-90 của Nga được đánh giá có lợi thế hơn về khả năng cơ động và tốc độ thay đạn. Nếu đối đầu, xe tăng Anh sẽ trúng ít nhất 2 phát đạn trước khi phản kích lại xe tăng Nga.

Lê Hưng (Nguồn: Military News)

Tin mới