Theo báo cáo tài chính quý IV/2017 vừa được công bố của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, UPCoM: SAS), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý IV đạt 668 tỷ đồng, tăng trưởng 17%.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu là doanh thu hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế (đóng góp 352 tỷ đồng), doanh thu hoạt động phòng khách (94 tỷ đồng), doanh thu hàng hóa tại trung tâm thương mại và các chi nhánh khác (92 tỷ đồng).
Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm khá mạnh so với quý 4/2016, từ 120 tỷ xuống chỉ còn 20 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là kỳ này SASCO không còn nhận được lợi nhuận từ chuyển nhượng vốn như cùng kỳ năm trước.
Quý IV/2017, SASCO không còn ghi nhận lãi chuyển nhượng vốn.
Quý IV/2016, SASCO ghi nhận gần 89,3 tỷ đồng lãi chuyển nhượng vốn vào doanh thu tài chính, nên tổng doanh thu tài chính quý IV/2016 đạt hơn 120 tỷ đồng, trong khi đó quý IV/2017 chỉ đạt gần 21 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tiếp tục tăng, khiến lợi nhuận trong quý sụt giảm. Cổ tức, lợi nhuận được chia cũng giảm hơn.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý IV/2017 đạt gần 81 tỷ đồng, giảm mạnh 23% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng tính chung cả năm, lợi nhuận vẫn tăng 8%, đạt 350 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ vừa qua đã thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giai đoạn 2012 – 2015.
Theo đó, kết luận thanh tra công bố nhiều tồn tại, vi phạm của công ty mẹ ACV và công ty thành viên SASCO (do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch từ tháng 4/2017) trong hầu hết các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản, sử dụng đất và cổ phần hóa, thoái vốn…
Cụ thể, từ năm 2005 đến 2015, SASCO đã đầu tư vốn thành lập công ty Liên doanh Nhà Viethaus tại Đức (liên doanh giữa SASCO và công ty H.M.SKY Gmbh - Đức). Tuy nhiên, kết quả kinh doanh không có hiệu quả, lỗ lũy kế đến 31/12/2015 là hơn 13,4 triệu euro, tổng các khoản nợ lên đến 9,6 triệu euro (tương đương gần 62 tỷ đồng).
SASCO còn được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê hơn 131 ha đất lâm nghiệp rừng phòng hộ để triển khai Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa nhưng công ty này không triển khai, đồng thời chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2001 đến 2016 với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, SASCO đã thiếu kiểm tra, giám sát để công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam đánh giá lại một số tài sản sai quy định, dẫn đến làm giảm vốn Nhà nước khi cổ phần hóa số tiền gần 13 tỷ đồng…
Video: Tỷ phú Thái chuyển 5 tỷ USD hoàn tất thương vụ mua Sabeco
Phản hồi về những vấn đề trên, SASCO cho biết, ngay sau kết luận thanh tra, SASCO đã nhanh chóng triển khai thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, đã hoàn tất các thủ tục về dự án Suối Hoa theo quy định của Nhà nước, thực hiện các thủ tục miễn giảm thuế với địa phương theo đúng quy định.
Đối với dự án Viethaus, công ty cho biết đã hoàn tất báo cáo phương án xử lý gửi Bộ Giao thông Vận tải và đang chờ chỉ đạo tiếp theo của các Bộ, ngành liên quan.
Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của SASCO, ông Jonathan Hạnh Nguyễn đang nắm giữ tới 44% cổ phần, thông qua một số doanh nghiệp gia đình như Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group), Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC).
Vợ ông – cựu diễn viên điện ảnh Lê Hồng Thủy Tiên hiện cũng là thành viên HĐQT của SASCO với tỷ lệ cổ phần 15,24%.
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn là cổ đông lớn nhất, sở hữu 49,07% cổ phần.