Đã có 5 điểm chốt chặn các đường ra vào làng Bông Hiot. Anh Phạm Minh Th. (27 tuổi), thôn đội trưởng thôn 1, xã Hải Yang cho biết: "Người dân làng Bông Hiot chấp hành nghiêm túc việc phong toả, không ai phản ứng gì. Anh em chúng tôi cũng thế, có người đã 6 ngày chưa về với vợ con rồi. Tôi thuộc tổ chốt chặn số 1 với 4 người, ăn ngủ tại chỗ, đến giờ sẽ có tổ phục vụ của xã Hải Yang mang đồ ăn thức uống tới".
Điểm chốt chặn số 1
Hơn 1.400 người dân làng Bông Hiot ở trên dải đồi cao ráo, phía sau nhiều đồi núi, cách trụ sở UBND xã Hải Yang khoảng 2km. Ngày 9/7, tại tỉnh Gia Lai, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, những tỉnh có bệnh nhân bạch hầu, về công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này
Anh Kh. (32 tuổi), làng Bông Hiot chia sẻ, sau khi được khám, các bác sĩ nói anh Kh. không bị bệnh bạch hầu nhưng vẫn được cấp thuốc uống phòng dịch này với liều uống trong 5 ngày. Anh Kh. nói: "Việc chốt chặn cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc làm ăn vì gia đình có hơn 1ha cà phê bên trong làng, nên dù chốt chặn vẫn làm việc bình thường". Ngoài ra anh Kh. còn được chính quyền phát gạo, dầu ăn, mì tôm…trong những ngày bị phong tỏa
Khoảng 15h chiều 9/7, anh L. (21 tuổi) đang ở trong nhà cùng gia đình vì không thể tới huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) cách nơi ở khoảng 30km để làm thuê. Anh L. mong chính quyền sớm dập hết dịch bạch hầu để đi làm thuê kiếm sống mỗi ngày 100 nghìn đồng nuôi con nhỏ, bởi gia đình anh L. chỉ có 5 sào cà phê quả vẫn còn xanh
Ở tỉnh Kon Tum (tiếp giáp với tỉnh Gia Lai), chiều 9/7, ông Võ Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, vừa phát hiện thêm 3 ca dương tính với bạch hầu, nâng tổng số lên 25 ca dương tính với bạch hầu toàn tỉnh này với 12 ổ dịch (thành phố Kon Tum 2, các huyện Đắk Hà 1, huyện Đắk Tô 5, Sa Thầy 4), không ghi nhận trường hợp nào tử vong.