Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tăng cường giám sát, ngăn chặn dịch bạch hầu ở những 'vùng lõm' tiêm chủng

(VTC News) -

Hầu hết bệnh nhân bạch hầu tới từ “vùng lõm” tiêm chủng, là những địa phận vùng sâu, vùng xa, có đông bà con dân tộc thiểu số sinh sống, khó vận động tiêm vaccine.

99% ca dương tính đến từ 'vùng lõm' tiêm chủng

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu tháng 6/2020 đến nay (sáng 9/7), Tây nguyên ghi nhận 66 trường hợp dương tính với bạch hầu. Điều đáng nói, trong số đó 99% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Về nguyên nhân mắc bệnh vì đa phần những trường hợp trên không tham gia tiêm phòng vaccine, tiêm không đầy đủ hay có người còn không nhớ rõ bản thân đã tiêm chủng hay chưa.

 Khu vực điều trị bệnh bạch hầu tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).

Đơn cử như ở tỉnh Kon Tum, bà Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Nhận thức của người đồng bào dân tộc thiểu số đối với bệnh dịch chưa cao nên việc cho họ uống thuốc để trị bệnh gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần uống thuốc đều phải cắt cử cán bộ y tế đứng kiểm tra họng vì có người sẽ không nuốt mà nhổ ra. Có trường hợp lại cho rằng bản thân không có bệnh nên không uống rồi xảy ra cãi cọ với nhân viên y tế".

Lạ hơn như ở tỉnh Đắk Nông, nhiều cha mẹ viết bản cam kết không tiêm chủng cho con em vì nhiều lý do tưởng chừng như rất vô lý là "sợ con ốm" hay "ngại đi tiêm". Đến khi dịch bạch hầu bùng phát, ngành Y tế tỉnh này lại phải cắt cử cán bộ lặn lội đến gõ cửa từng nhà vận động cả gia đình đi tiêm vaccine phòng bệnh.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Ngãi và Quảng Nam vào sáng nay (9/7), quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh việc cần phải tăng cường giám sát dịch không chỉ ở những xã có ca bệnh, mà đặc biệt chú ý những vùng có nguy cơ cao. Cụ thể là những “vùng lõm” trong tiêm chủng, đây là những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, có đông bà con người dân tộc thiểu số sinh sống, khó vận động tiêm chủng.

Cấp tốc tiêm vaccine ngăn ngừa dịch lan rộng

Báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về tình hình sử dụng vaccine phối hợp và kết quả tiêm chủng 5 tháng đầu năm 2020 cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong TCMR ở trẻ em là rất thấp, tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi chiếm 34,6%; trẻ 18 tháng tuổi chỉ chiếm 28,4 %. Vì vậy, việc triển khai chiến dịch tiêm các vaccine phòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên là việc làm cần thiết.

Ngành Y tế khám cho người dân ở ổ dịch xã Hải Yang (huyện Đắk Đoa, Gia Lai).

Chiều 9/7, Bộ Y tế, UBND và Sở Y tế các tỉnh Tây Nguyên phối hợp phát động chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh tăng nhanh. Chiến dịch được triển khai từ tháng 7/2020 đến hết tháng 3/2021 và theo hình thức tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động.

Cụ thể, tại trạm y tế sẽ tiêm chủng cho trẻ 2 tháng trở lên và thực hiện tiêm vét; Tại các điểm lưu động tiêm chủng cho đối tượng sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận.

Dự kiến gần 4,7 triệu người dân tại 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông sẽ được tiêm các mũi vaccine khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu. Trong đó, khoảng 120.446 liều vaccine 5 trong 1; 279.608 liều vaccine DPT; và 10.111.461 liều vaccine Td. 

 Video: Bộ Y tế làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi về phòng, chống bạch hầu.

Đến cuối chiều 9/7, Gia Lai ghi nhận thêm 3 ca dương tính với bạch hầu, nâng tổng số ca dương tính lên 19 ca, những người này đều sinh sống tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa), nơi ca nhiễm bạch hầu đầu tiên tại Gia Lai đã qua đời.

HIỀN MAI

Tin mới