Tài xế ‘chờ thời’
Từ ngày 14/4, Khu quản lý đường bộ 3, Cục Quản lý đường bộ tổ chức phân luồng giao thông do sự cố sạt lở khu vực hầm đường sắt Bãi Gió (đoạn qua khu vực đèo Cả thuộc địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).
Theo quy định, xe bồn chở khí hóa lỏng LPG, các xe chở hóa chất độc hại, dễ cháy, chất nổ, hàng hóa nguy hiểm… không được phép lưu thông qua các hầm đường bộ vì có nguy cơ không đảm bảo an toàn giao thông trong hầm.
Nhiều xe bồn ùn ứ, tấp vào quán ăn quen đường 'chờ thời'
Năm ngày nay, nhiều phương tiện buộc phải tạm dừng hành trình dọc 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Tại phía nam chân đèo Đèo Cả thuộc khu vực xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh) có đến 5 chiếc xe bồn chở khí hóa lỏng LPG nằm phơi nắng.
Đang nằm trên võng dưới chân đèo Đèo Cả, tài xế Nguyễn Đình Tụ (36 tuổi, trú Phú Yên) cho biết, chiều 14/4, anh chở 300 bình gas loại 12kg từ Nha Trang ra Phú Yên để giao cho một cửa hàng ở TP Tuy Hòa nhưng đến đèo Đèo Cả thì lực lượng chức năng chặn lại, yêu cầu quay đầu đi đường khác.
“Nếu đi đường như hướng dẫn thì phải quay lại thị xã Ninh Hòa rồi vòng lên hướng Tây Nguyên, đi vòng về huyện miền núi Sông Hinh của Phú Yên đi xuống TP Tuy Hòa thì quãng đường xa hơn hàng trăm cây số, lạ đường và rất nhiều chi phí, nên tôi đành nằm đây chờ đợi”- anh Tụ bộc bạch.
Tài xế Nguyễn Đình Tụ chờ đợi 4 ngày nay để được qua đèo Đèo Cả, mặc dù đường về nhà chỉ còn 1 tiếng.
Anh Tụ cho biết từ chân đèo Đèo Cả nếu đi qua hầm thì chỉ mất 1 giờ lái xe là anh về tới nhà nhưng do cấm đường nên anh "mắc kẹt" đã mấy ngày nay.
Ngồi bên cạnh, tài xế Đào Duy Hiền (40 tuổi, ở Đồng Nai), lái xe bồn chở khí hóa lỏng LPG than thở, những ngày qua, anh khổ sở khi không có chỗ ăn uống, ngủ nghỉ, phải trông nom xe cộ.
Theo anh Hiền, xe của anh nếu muốn đi tuyến khác thì phải có hồ sơ khảo sát lại của Cục Đường bộ cấp phép mới đi được vì xe của anh đã đăng ký đi đoạn đường đèo Đèo Cả. Nếu đi đường hầm thì xe từ 3m-3,4m mới được vào hầm, xe của anh rộng đến 3,6m nên không đi được.
“Nếu đi lên Quốc lộ 26 sẽ có những đoạn quy định xe dưới 24 tấn nhưng xe chở hóa chất nặng như xe tôi thì chắc chắn không đi được rồi. Xe tải trọng lớn phải đúng tuyến chứ đâu phải lái xe tự ý muốn đi đâu cũng được. Giờ cấm đường, đường vòng thì cũng không đủ tiêu chuẩn để lưu thông, giao hàng chậm, công ty sẽ phạt chúng tôi” – anh Hiền nói.
Không còn giải pháp khác
Trao đổi với VTC News, lãnh đạo Khu quản lý đường bộ 3 cho biết, sau khi xảy ra sự cố sạt lở tại hầm đường sắt Bãi Gió, đơn vị đã ra thông báo về việc tổ chức phân luồng giao thông qua khu vực đèo Đèo Cả.
“Không còn giải pháp nào khác. Chúng tôi đã ra văn bản quy định cụ thể cho từng loại xe. Các xe buộc phải đi đường khác hoặc chờ khắc phục xong sự cố mới được lưu thông” - lãnh đạo Khu quản lý đường bộ 3 nói.
Vì đi đường vòng tốn kém và nguy hiểm nên nhiều tài xế xe trọng tải lớn chọn cách dừng dưới chân đèo Đèo Cả để chờ đợi.
Ngoài ra, đơn vị đã đề nghị Công ty CP Xăng dầu khí Phú Yên, Công ty Xăng dầu Khánh Hòa thông báo cho các phương tiện chở xăng dầu, xe chở các chất dễ cháy nổ thuộc các công ty biết và chủ động chọn lộ trình phù hợp.
"Đối với những xe chở hàng siêu trường, siêu trọng. Theo quy định, xe có bề rộng từ 3,2-3,5m thì được phép vào hầm nhưng phải có xe dẫn đường, điều tiết giao thông trong hầm; xe lớn hơn 3,5m là không được vào hầm. Mọi khi xe này đi đường đèo, nhưng giờ gặp sự cố nếu không đi đường tránh thì phải chờ thông đèo Đèo Cả thôi"- lãnh đạo Khu quản lý đường bộ 3 thông tin.
Nhiều tài xế than trời vì không biết phải chờ bao lâu nữa
Lãnh đạo Khu quản lý đường bộ 3 nói thêm, sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp chở siêu tường, siêu trọng nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ cấp phép cho đi đường tránh. Còn đối với các xe chở khí gas, chất dễ gây cháy nổ,.. thì đã có phương án điều tiết qua hầm Đèo Cả từng tốp, đi cùng có xe chữa cháy.
Theo đơn vị này, trong thời gian khắc phục hầm đường sắt Bãi Gió, để đảm bảo an toàn công trình đường sắt, đường bộ, an toàn giao thông cho phương tiện giao thông đường bộ, cơ quan chức năng đã cấm tất cả các phương tiện (trừ xe hai bánh) lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Đèo Cả từ chiều 14/4.
Ngày 16/4, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy đã họp trực tuyến với tổ công tác hiện trường, các cơ quan, đơn vị, 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa bàn phương án khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Tại cuộc họp, các đơn vị có liên quan cho biết, đã gia cố khối đất sụt trong hầm bằng cách phun vữa xi măng hai mặt hở, cắm các neo tạo ô để phun áp lực vữa xi măng cho đông kết đất đá rời rạc và tạo xương cứng. Dự kiến, ngày 22/4 hoàn thành xử lý để thông tàu Bắc - Nam.
Như VTC News đã thông tin, chiều 12/4, hầm Bãi Gió bị sạt lở gây ách tắc hoàn toàn đường sắt Bắc - Nam. Ngành đường sắt phải thiết lập các đoàn tàu ở hai đầu ga Giã và ga Tuy Hòa, trung chuyển khách bằng xe khách qua hầm đường bộ Đèo Cả để tiếp tục hành trình.