Việc mở rộng cung cấp thêm room tín dụng sẽ giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, nhưng không dễ để doanh nghiệp tận dụng triệt để các khoản tín dụng mở rộng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay.
Không dễ tiếp cận
TS. Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc – Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định, việc nới room tín dụng lần này không chỉ hỗ trợ thanh khoản cho sản xuất kinh doanh mà còn giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư tại thị trường vốn. Bằng chứng là việc thị trường chứng khoán hồi phục sau nhiều phiên giảm điểm.
Nhà đầu tư có cơ hội để sử dụng thêm đòn bẩy tài chính, các ngân hàng có điều kiện tăng thêm dư nợ và lợi nhuận. Còn với thị trường bất động sản, chủ đầu tư được giải tỏa tâm lý “tắc vốn”, niềm tin của khách hàng mua bất động sản được củng cố phần nào.
Nới room tín dụng nhưng doanh nghiệp không dễ tiếp cận. (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm 2022 còn rất ít, trong khi để thực thi các chính sách mới do Nhà nước ban hành luôn có một độ trễ nhất định. Cụ thể, ngân hàng còn mất nhiều thời gian để làm các thủ tục cho vay, thẩm định dự án, giải ngân, báo cáo số liệu,…. để các khoản vay có thể đến được với doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.
Tiến sĩ Lộc kiến nghị: “Các ngân hàng thương mại phải tích cực cải tiến về các quy trình cho vay, giảm lãi suất, cân đối nguồn vốn. Còn Ngân hàng Nhà nước nên có các chính sách hỗ trợ bằng một nguồn vốn giá rẻ. Nên giành room tín dụng này cho những ngân hàng có khả năng, điều kiện để tăng trưởng tín dụng sao cho vẫn đảm bảo được tỷ lệ an toàn, kiểm soát được chất lượng tín dụng, đáp ứng được nhu cầu vốn cấp bách cho các doanh nghiệp”.
Việc nới room không đồng nghĩa với việc dòng tiền đến được với doanh nghiệp. Bởi, doanh nghiệp phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được. Tại tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp” mới đây tổ chức tại TP.HCM, đại diện các ngân hàng thương mại cho biết, đơn vị phải lựa chọn kỹ đối tượng cho vay để đảm bảo hiệu quả và an toàn vốn. Dù room tín dụng tháng 12 rất dồi dào nhưng các ngân hàng thương mại cũng phải đi tìm doanh nghiệp tốt để cấp hạn mức tín dụng, cho vay.
Doanh nghiệp phải minh mạch
Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Bền vững TP.HCM, ngân hàng luôn thận trọng với các dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Bởi vậy, doanh nghiệp cần phải tích cực tạo điều kiện cho ngân hàng kiểm tra, thẩm định, công khai minh bạch để ngân hàng kiểm tra, kiểm soát an toàn.
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, doanh nghiệp cần công khai minh bạch, hợp tác tốt với ngân hàng trong công tác thẩm định dự án. (Ảnh: Hoàng Minh)
“Ngành ngân hàng nên có quỹ đặc biệt hỗ trợ cho doanh nghiệp, lãi suất tối đa là 5% thôi. Cần phải tìm một quỹ trong hoặc ngoài nước. Khi hết tài sản rồi thế chấp bằng chính phương án sản xuất kinh doanh khả thi của đơn vị đó. Phương án này được hai bên người cho vay và người vay đồng hành với nhau, cùng thẩm định, cùng chịu trách nhiệm, và nếu được thì có chuyên gia kinh tế tham gia đứng khách quan để hỗ trợ cho dự án đó”, ông Dũng nói.
Đợt chỉnh điều chỉnh nới room này, chỉ có một số ngân hàng thương mại được hỗ trợ phục vụ nguồn vốn lưu động cuối năm dẫn tới vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thể vay thêm vốn. Do đó, trong bối cảnh nhu cầu vốn lưu động cấp thiết vào cuối năm, doanh nghiệp cần chủ động cơ cấu, mở rộng quan hệ với các tổ chức tín dụng, đa dạng hóa nguồn vốn vay.
Ông Nguyễn Quang Thanh - Trưởng phòng đầu tư dự án Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM cho rằng: “Hướng giải quyết đối với doanh nghiệp là gì? Họ cần có mối quan hệ nhiều hơn một ngân hàng để khi họ là một doanh nghiệp tốt, ngân hàng rất muốn cho vay mà hết room rồi. Nhưng ở một số ngân hàng khác vẫn còn room, vẫn xử lý được cho doanh nghiệp này. Chúng ta vẫn cần có các giải pháp dự phòng cho nguồn vốn tín dụng của mình. Đó là về vốn lưu động”.
Một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh lợi ích tâm lý, lần mở rộng room tín dụng này sẽ góp phần tạo đà cho nền kinh tế có thể hồi phục trong năm tới. Cùng với đó, nhà nước cần có những phương án, chính sách lâu dài như khơi thông kênh dẫn vốn từ trái phiếu, đẩy mạnh đầu tư công, cân đối mục tiêu để điều hành hợp lý, hài hòa chính sách tiền tệ.